Tên là một giá trị sở hữu vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm. Tìm được một cái tên hay, ý nghĩa, dễ ghi nhớ và có tính sử dụng lâu dài là thách thức đối với người sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Có rất nhiều con đường và ngã rẽ để đến đích, tuy nhiên, có một vài “dấu hiệu” giúp ta xác định được con đường thẳng và ngắn nhất.
Tham khảo trọn bộ 27 tài liệu đặt tên thương hiệu giúp doanh nghiệp đặt tên hiệu quả
Brief – Bản đồ chỉ đường
Brief, dù là client brief hay creative brief cũng đều chứa đựng những thông tin để làm tư liệu cho việc sáng tạo tên. Không như ngành quảng cáo sáng tạo đòi hỏi một bản brief kích thích cảm hứng, sáng tạo thương hiệu cần những thông tin rời, thậm chí mới đọc tưởng như “không liên quan” nhưng trong nhiều trường hợp đã chứng tỏ tính quyết định của khách hàng trong việc chọn tên. Ví dụ dễ thấy nhất là tên người sáng lập công ty, năm sinh, con số may mắn, niềm tin tôn giáo…
Bên cạnh đó, những thông tin về thị trường chính, nhu cầu định vị, các tính chất đặc trưng của sản phẩm là các yếu tố quan trọng để xác định hướng sáng tạo tên. Tên một nhãn hàng thời trang không cần gợi lên cảm giác ngon miệng, tên cho một công ty phần mềm nên có yếu tố công nghệ, tên của một khách sạn ưu tiên những liên tưởng đến sự trải nghiệm, du lịch…vv. Có thể nói, brief chính là bản đồ chỉ đường mà người làm sáng tạo thương hiệu phải “thuộc lòng” trước khi muốn lựa chọn phương tiện để tung hoành.
Từ cảm nhận tới thể hiện
Bạn không thể “gọi lên” hình ảnh hay tình cảm về một người nào nếu chưa từng tiếp xúc, hoặc không có với người đó bất cứ tình cảm nào. Việc đặt tên cho một công ty, một nhãn hàng, một sản phẩm mới cũng tương tự như vậy. Ngay sau khi đọc kỹ brief để nắm được nhu cầu của khách hang (cũng như hình dung ra phần nào tính cách của người mà bạn sẽ bán cho họ sự sáng tạo của mình), bạn cần tìm càng nhiều cơ hội “tiếp cận” và “làm quen” với đối tượng đặt tên càng nâng cao xác suất “chinh phục”.
Lấy ví dụ từ một case study kinh điển, khi các chuyên gia của Lexicon đặt tên cho sản phẩm bàn chải đánh răng mini loại dùng một lần của Colgate, việc đầu tiên họ làm là trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, cảm nhận các tác động của bàn chải trong quá trình đánh răng, độ tạo bọt, khi sử dụng trong các điều kiện khác nhau (trên máy bay, trên taxi đang chạy…). Chính từ những trải nghiệm này mà họ đi đến quyết định thay vì tìm một từ mô tả kích thước của sản phẩm hay độ tiện lợi, từ cần tìm phải thể hiện được sự êm dịu mà người sử dụng cảm nhận được về chiếc bàn chải dù chỉ dùng một lần.
Đẹp vs Phù hợp
Đặt tên cho thương hiệu, sản phẩm hay doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra một giá trị sở hữu độc đáo, không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường mà còn là niềm tự hào và một cách thể hiện những giá trị cốt lõi. Có nhiều tên gọi nghe rất hay nhưng lại không được khách hàng lựa chọn, hoặc có những ý tưởng tiếp cận vô cùng độc đáo song lại không tạo ra được tên “đi vào lòng người”. Vậy làm sao để dung hòa giữa hai tiêu chuẩn Đẹp và Đúng? Theo các chuyên gia, quá trình đi tìm một cái tên “sáng giá” cần trải qua ít nhất 3 giai đoạn:
- Đặt mình vào vai trò khách hàng để hiểu những nhu cầu cũng như kỳ vọng đối với tên cần đặt
- Xác định phân khúc thị trường để tránh “chỏi” với những người tiếp nhận tên gọi, đừng đặt một cái tên có ý nghĩa quá hàn lâm và khó phát âm ở thị trường bình dân, cũng như đừng hi vọng một cái tên không gợi nhiều liên tưởng sâu sắc có thể gây ấn tượng với phân khúc cao cấp.
- Tìm kiếm sự đồng thuận bằng cách tham vấn từ nhiều người với nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau, có thể là đồng nghiệp, vợ hoặc chồng, bạn trên mạng xã hội.
Trên đây là những gợi ý căn bản về quá trình sáng tạo nên một tên gọi hay trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Hãy liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi để có thêm những nghiên cứu chuyên sâu cho thương hiệu của doanh nghiệp bạn.
Nguồn: Sao Kim Branding
Chuyên gia hàng đầu về thương hiệu
Xem thêm những bài viết khác: