Trong thời kỳ Tự chủ tài chính – xây dựng thương hiệu trường đại học là yếu tố quyết định sự tồn vong. Trên thế giới, việc quảng bá hình ảnh thương hiệu giáo dục đại học đã được chú trọng từ khá lâu. Còn ở Việt Nam, phải đến thời gian gần đây khi chuyển sang giai đoạn tự chủ tài chính, các trường đại học mới bắt đầu có những hoạt động xây dựng thương hiệu nhằm thu hút sinh viên. Vậy việc xây dựng thương hiệu trường đại học cần bắt đầu từ những công việc gì? Bài viết dưới đây Sao Kim cung cấp 6 yếu tố mà các trường đại học cần đầu tư để xây dựng thương hiệu vững mạnh và ngày càng phát triển.
1. Tăng cường nhận thức thương hiệu thông qua tạo dựng hình ảnh & truyền thông
Bước đầu tiên trong quá trình xúc tiến xây dựng thương hiệu là tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp từ website, logo, thông điệp riêng. Đây được coi là những viên gạch nền tảng, xác địng vị trí, sự khác biệt, mục tiêu của một trường so với những trường khác.
Đặc biệt logo và thông điệp của trường đóng vai trò quan trọng đối với việc sinh viên quyết định có nên lựa chọn đăng ký học không. Bởi vì nó thể hiện mục tiêu đào tạo của trường, cũng là lời cam kết đối với khách hàng là các sinh viên khi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đầu tư cho tương lai của họ. Có thể nhận thấy rằng các trường đại học của Việt Nam hiện nay nhất là các trường công, lập trọng điểm còn thiếu chuyên nghiệp và đầu tư trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Các hình ảnh logo của các trường còn rất đơn giản, thô sơ và có phần lạc hậu. Ví dụ như logo của nhiều trường đại học đi theo lối mòn bằng ý tưởng từ quyển sách và tòa tháp.
Và hầu như sinh viên học 4,5 năm tại trường không thể nhớ nổi slogan của trường là gì.
Trái lại các trường tư như FPT, đại học Đại Nam lại có yếu tố logo và thông điệp (trong thương mại thường gọi là slogan) rất ấn tượng.
Ngoài ra, website cũng là một nơi giúp quảng bá thương hiệu trường đại học hiệu quả. Nếu được chú trọng đầu tư, nâng cấp cho chuyên nghiệp, dễ sử dụng hơn chắc chắn website của các trường sẽ thu hút nhiều lượt học sinh tìm hiểu.
2. Cải tiến chất lượng dịch vụ
Sản phẩm mà trường đại học cung cấp chính là dịch vụ giáo dục & đào tạo, do vậy yếu tố này phải được chú trọng đầu tư và cải thiện liên tục. Dịch vụ ở đây bao gồm dịch vụ lõi và dịch vụ gia tăng. Dịch vụ lõi là những ngành thế mạnh của trường, dịch vụ gia tăng là các hỗ trợ của trường cho sinh viên về tài chính, tư vấn, liên kết tổ chức các chương trình học với các trường ngoài nước, các khóa học, nghiên cứu… Chất lượng của dịch vụ lõi là yếu tố so sánh đầu tiên khi sinh viên và phụ huynh lựa chọn trường, sau đó đến sự hấp dẫn của các dịch vụ gia tăng. Không có được chất lượng trong dịch vụ thì mọi nỗ lực quảng bá hay xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng đều vô nghĩa.
3. Đẩy mạnh quan hệ công chúng
Các trường cần cải thiện quan hệ với sinh viên và phụ huynh bằng các hoạt động thu thập ý kiến của họ về chất lượng dịch vụ của nhà trường. Xuất bản các tập nội san về hoạt động của nhà trường cho cả phụ huynh và sinh viên như đại học FPT đã làm. Đến các trường THPT tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu với phụ huynh và học sinh. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi liên quan đến chuyên môn để thu hút sinh viên trong và ngoài trường tham gia nhằm khuếch trương thanh thế, chất lượng giảng dạy của trường đến các phương tiện truyền thông, phụ huynh, học sinh.
Tăng cường quan hệ với các tổ chức nghề nghiệp có liên quan đến lĩnh vực đào tạo và các trường đại học quốc tế. Thương hiệu của trường sẽ được đẩy mạnh nhờ các ký kết đào tạo nhân lực, các buổi giao lưu chia sẻ, hợp tác đào tạo,…
4. Nâng tầm thương hiệu bằng sự liên kết đào tạo
Sự liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài đem lại giá trị cho tài sản thương hiệu. Có lẽ hầu hết các trường đại học chưa nhận thức được điều này. Việc liên kết hiện tại đa phần chỉ dừng lại ở mục đích để sinh viên Việt Nam được hưởng nền giáo dục tiên tiến của nước ngoài. Nhưng về lâu dài, để xây dựng thương hiệu cho giáo dục Việt Nam, các trường đại học cần chủ động thực hiện trao đổi sinh viên (để sinh viên trong nước sang nước bạn học tập, và nhận sinh viên quốc tế về đào tạo trong nước) điều đó góp phần khẳng định về trình độ giảng viên, phương tiện, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đã sánh ngang với các trường quốc tế.
5. Quản lý & đa dạng hóa giáo dục cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn
Đội ngũ quản lý giáo dục nắm giữ một vai trò quan trọng, cụ thể đối với các trường đại học là hiệu trưởng, và các vị có quyền hạn quản lý trong trường. Ở Việt Nam, việc đào tạo quản lý giáo dục chưa được coi trọng đúng mức, các vị trí cao trong quản lý hầu hết đi lên từ việc làm nhà giáo lâu năm, có thành tích tốt. Nhưng do sự phát triển nhanh chóng, vị trí quản lý giáo dục hiện nay đòi hỏi người được đào tạo bài bản có thể giải quyết linh hoạt được các tình huống xảy ra trong thực tế trường học. Từ giảng viên, sinh viên, hoạt động của các bộ máy trường học có rất nhiều yếu tố phức tạp về sự tương tác giữa các bộ phận để trường đại học có thể hoạt động mạch lạc, thống nhất.
Ngoài ra, vai trò của người quản lý cũng bao gồm cả việc đổi mới, đa dạng hóa nhưng vẫn giữ vững định hướng giáo dục của trường. Việc đổi mới và đa dạng hóa nghĩa là các hoạt động giảng dạy của trường cần linh hoạt cập nhật theo xu hướng thời thế hiện tại. Khi thị trường có nhu cầu về ngành nghề mới thì trường cần đào tạo chuyên môn cho ngành nghề đó nhằm cung cấp nguồn lao động phù hợp.
Tuy nhiên, việc đào tạo đó cũng cần phải xem xét xem có phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực trọng tâm của trường không. Nếu không việc giảng dạy đó xem như vô nghĩa trong công cuộc xây dựng, đóng góp giá trị cho tài sản thương hiệu của trường. Ví dụ như việc trường ngoại ngữ mở thêm các khoa về tài chính, kinh tế hay trường Bách Khoa đào tạo về quản trị, tài chính. Chúng ta sẽ đưa ra ngay những câu hỏi về chất lượng giảng dạy của những ngành đào tạo này. Chính những bất cập này cần người quản lý, đứng đầu nắm vững và đưa ra những quyết định sáng suốt trong gây dựng và vun đắp giá trị thương hiệu của trường.
6. Trung thực để duy trì lòng trung thành đối với thương hiệu
Cũng như các sản phẩm dịch vụ khác trên thị trường giáo dục cũng cần xây dựng thương hiệu. Điều đó nói lên rằng không phải cứ quảng cáo, PR rầm rộ là có thương hiệu mạnh. Thương hiệu được xây dựng dựa trên những giá trị mà nó mang đến cho khách hàng và xã hội. Trong trường hợp giáo dục, khi khách hàng quyết định đầu tư vào một trường đại học, đó là đầu tư về con người, kết quả của giáo dục cũng vì thế mà đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu trường đại học. Chính vì vậy, khi thực hiện quảng cáo hay đưa ra những lời hứa hẹn, cam kết đối với học sinh, sinh viên nhà trường cần dựa trên những điều có thể thực hiện được, không thổi phồng, làm quá vì điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Bởi nếu sinh viên không đạt được những thành tích như trường cam kết hay trải nghiệm không được tốt như quảng cáo, hậu quả sẽ là sự quay đầu của những thế hệ sinh viên phía sau và sự nghi ngờ về chất lượng của bất cứ ngành, khoa khác ra đời sau này. Tệ hơn, điều này có thể dẫn khách hàng đến những khoa ngành tương tự của các trường đại học là đối thủ cạnh tranh.
Mọi thắc mắc về xây dựng thương hiệu cho trường đại học sẽ được giải đáp bởi các chuyên gia của Sao Kim. Hãy liên hệ với chúng tôi.
Nguồn: Sao Kim branding
Chuyên gia số 1 về Thương hiệu
Xem thêm những bài viết khác: