Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ các điều kiện để thành lập thương hiệu thứ 2 hoặc các thương hiệu mới khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc cho ra đời thương hiệu thứ 2 lại mang tính cần thiết để giúp doanh nghiệp phát triển vững vàng hơn. Hãy cùng Sao Kim tìm hiểu về các trường hợp đó trong bài viết dưới đây.
=>> Tham khảo thêm 5 Câu hỏi để doanh nghiệp quyết định ra mắt thương hiệu mới
1. Khi doanh nghiệp đã phát triển ổn định với thương hiệu đầu tiên
Cho ra đời một thương hiệu mới không phải là việc làm đơn giản, bởi chúng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho quá trình nghiên cứu lâu dài từ nội tại doanh nghiệp, bối cảnh thị trường, mục tiêu kinh doanh, khách hàng mục tiêu… và huy động ngân sách không hề nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần phải có một nền tảng vững chắc về nhân sự, ngân sách và kinh nghiệm hoạt động để ra mắt và đề ra chiến lược cho thương hiệu mới.
Hơn thế nữa, một doanh nghiệp non nớt còn đang gặp nhiều khó khăn để chèo lái thương hiệu đầu tiên chắc chắn không đủ sức để ra mắt thương hiệu tiếp theo vì sự tồn tại song song của cả 2 thương hiệu có thể sẽ khiến doanh nghiệp thất bại vì không phân bổ được nguồn lực cần thiết. Ngược lại, khi doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và xây dựng thành công thương hiệu đầu tiên, việc ra mắt thương hiệu thứ 2 sẽ khẳng định thêm thông điệp về sự lớn mạnh, uy tín từng ngày và minh chứng cho sự cải tiến của doanh nghiệp.
2. Khi doanh nghiệp ra mắt dòng sản phẩm mới
Thương hiệu đồng nghĩa với dấu ấn và cảm nhận của khách hàng về một dòng sản phẩm – dịch vụ cụ thể của doanh nghiệp, giúp nhận biết doanh nghiệp thông qua sản phẩm – dịch vụ đó, vì vậy khi xác định sẽ cho ra đời một dòng sản phẩm mới tách bạch với dòng sản phẩm đầu tiên, doanh nghiệp cần phải cho ra đời thương hiệu mới.
Điều này nhằm mang tới cảm nhận khác biệt của khách hàng, khiến họ không nhầm lẫn rằng sản phẩm mới chỉ là một sự cải tiến từ dòng sản phẩm cũ hoặc khẳng định những tính năng đặc biệt mới mẻ của dòng sản phẩm mới, đồng thời ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn trong tâm trí khách hàng về một doanh nghiệp năng động và thích ứng nhanh với sự biến đổi không ngừng của thị trường. Chúng được thực hiện thông qua việc lên chiến lược xây dựng thương hiệu mới, đặt tên thương hiệu mới, tìm kiếm phân khúc khách hàng mới, thiết kế hệ thống nhận diện hoàn toàn mới…
3. Khi doanh nghiệp có thêm ngành nghề kinh doanh mới
Cũng giống như khi cho ra mắt một dòng sản phẩm mới, nếu ngành nghề kinh doanh mới của doanh nghiệp là một lĩnh vực khác biệt và có tính chất tách bạch với ngành nghề ban đầu, hãy cho ra mắt thương hiệu thứ 2. Hai lĩnh vực riêng rẽ không thể có cùng chiến lược phát triển, bởi vậy sự ra đời này giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược một cách phù hợp cho ngành nghề mới, về ý tưởng sản phẩm, phân khúc khách hàng, định vị trong tâm trí người tiêu dùng… và chiến lược marketing, chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Không những vậy, ra mắt thương hiệu thứ hai khi ngành nghề kinh doanh mới ra đời còn giúp khách hàng nhận diện sản phẩm – dịch vụ của lĩnh vực đó tốt hơn, khẳng định sự lớn mạnh và phát triển của doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong một lĩnh vực nhất định.
Sau khi đã xây dựng thành công thương hiệu bất động sản Gia Nguyễn, Công ty cổ phần xây dựng Gia Thy đã tiếp tục ra mắt thương hiệu Gia Võ với hoạt động thiết kế, sản xuất, cung cấp vật liệu nội thất cho các công trình xây dựng. Mặc dù đều nằm trong nhóm ngành xây dựng nhưng lĩnh vực chuyên môn của 2 thương hiệu này lại khác nhau và cùng hỗ trợ lẫn nhau để góp phần phát triển công ty mẹ Gia Thy. Dự án xây dựng bộ nhận diện và tư vấn thương hiệu cho Gia Võ đã được Sao Kim tiếp nhận và hoàn thành.
4. Khi doanh nghiệp mở rộng kinh doanh ra nhóm khách hàng mới
Với mỗi một phân khúc khách hàng, doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh riêng, chiến lược truyền thông, marketing riêng để tiếp cận và thuyết phục khách hàng một cách hiệu quả. Do đó, khi muốn mở rộng kinh doanh ra nhóm khách hàng mới khác biệt với phân khúc khách hàng hiện có, doanh nghiệp cũng cần nghĩ tới việc cho ra đời thương hiệu thứ 2 để đưa ra ý tưởng mới về sản phẩm – dịch vụ và định vị phù hợp.
Ví dụ, trước đây thương hiệu giày thể thao của bạn nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ với định vị trẻ trung, năng động, tuy nhiên khi muốn mở rộng và làm việc với những khách hàng ở độ tuổi trung niên, bạn không thể giữ định vị đó mà phải thay đổi toàn bộ ý tưởng và xây dựng một thương hiệu mới với định vị về tính năng phù hợp với độ tuổi đó hơn là nhấn mạnh về kiểu dáng.
5. Khi doanh nghiệp mở rộng thị trường ra nước ngoài
Mở rộng hoạt động ra nước ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thị trường tiềm năng ở ngoài lãnh thổ mà còn tạo thêm cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ. Việc mở rộng thị trường này đòi hỏi thương hiệu phải có nền tảng vững vàng hơn và sở hữu một thương hiệu mang tính quốc tế, bởi thị trường ngoại có những đặc trưng khác biệt với trong nước.
Thương hiệu thứ 2 mang tính quốc tế đóng vai trò giúp doanh nghiệp thâm nhập hiệu quả vào thị trường nước ngoài, tiếp cận khách hàng mục tiêu mới với tính cách, tâm lý, sở thích, nhu cầu khác biệt với trong nước, tạo dựng cảm nhận ấn tượng của người tiêu dùng về sự vượt trội của sản phẩm – dịch vụ đến từ doanh nghiệp ngoại…, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với những doanh nghiệp vốn đã tồn tại để tránh bị đánh bật khỏi thị trường.
6. Khi thương hiệu đầu không còn phù hợp với bối cảnh kinh doanh
Việc thương hiệu đầu có thể không phát triển như mong đợi rõ ràng là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, nhưng trong trường hợp thương hiệu đó không còn phù hợp với bối cảnh kinh doanh, việc tái định vị thương hiệu hoặc cho ra mắt thương hiệu thứ 2 sẽ là cứu cánh để doanh nghiệp vực lại tình hình.
Thương hiệu thứ 2 đó cần hoạch định chiến lược phát triển phù hợp hơn với bối cảnh kinh doanh, lựa chọn thị trường tiềm năng hơn, định vị tại một vị trí khác biệt hơn trong tâm trí công chúng để dần thu hút và thuyết phục họ tin tưởng và trung thành với thương hiệu. Điều này khả thi hơn việc bạn cố gắng duy trì sự lỗi thời của thương hiệu cũ trong khi biết rõ nó không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại.
7. Khi doanh nghiệp muốn tăng sức cạnh tranh với đối thủ
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp trên thị trường, bạn cần phải có động thái kịp phản ứng kịp thời trước mỗi hành động của đối thủ. Việc cho ra mắt thương hiệu thứ 2 cũng có thể được coi là bước đi mạnh mẽ khẳng định sự phát triển vững vàng của bạn nhằm đối phó với chiến lược của đối thủ. Nó cho thấy sự nhanh nhạy trong nắm bắt vấn đề và biết cách thu hút sự chú ý công chúng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc ra mắt thương hiệu thứ 2 cũng cần được cân nhắc và nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, nếu không doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề trong tương lai. Với tư cách là những người làm tư vấn trong lĩnh vực thương hiệu, Sao Kim luôn muốn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, sẵn sàng kết nối với bạn để giải đáp thắc mắc và tư vấn xây dựng thương hiệu hiệu quả. Liên hệ với chúng tôi ngay từ hôm nay để tháo gỡ mọi khó khăn của bạn.
Nguồn: Sao Kim Branding
Chuyên gia số 1 về Thiết kế thương hiệu của Việt Nam
Xem thêm những bài viết khác: