Quan niệm rằng xây dựng thương hiệu chỉ cần thiết đối với các doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là vũ khí lợi hại cần được trang bị cho bất cứ doanh nghiệp hay công ty nào. Bỏ qua các yếu tố về quy mô, hãy cùng tìm hiểu những lợi ích của việc ra mắt thương hiệu mới nhìn từ góc độ quản trị thương hiệu trong bài viết sau đây của Sao Kim.
1. Con đường ngắn và trực diện để tiếp cận khách hàng
Trong thời đại mà tất cả mọi người đều bận rộn với guồng quay cuộc sống, mọi hoạt động tìm kiếm, cập nhật, mua bán đều cần được thực hiện một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Với đặc điểm đó, khách hàng thường có xu hướng mua sắm bằng cách đưa ra quyết định nhanh hơn mà không cần suy nghĩ khi đã có sẵn hình ảnh một thương hiệu quen thuộc, yêu thích và đáng tin cậy trong đầu. Tạo dựng và cho ra đời một thương hiệu mới đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang tìm cách để hình ảnh của mình được lưu giữ và ở lại lâu hơn trong tâm trí khách hàng.
Khi đã xác định cho ra mắt một thương hiệu mới, doanh nghiệp cũng cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, xứng đáng của mình đối với sự nghiệp kinh doanh, thể hiện niềm tự hào về chất lượng sản phẩm – dịch vụ của mình và sự tôn trọng lợi ích của mọi khách hàng. Đây là con đường ngắn và trực diện nhất để tiếp cận với khách hàng bởi thông qua yếu tố cảm xúc, xây dựng những cảm nhận của công chúng mục tiêu về sản phẩm – dịch vụ và bản thân doanh nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ theo hướng mà những nhà quản trị mong muốn.
2. Tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn với đối thủ
Lấy ví dụ từ một quán phở vỉa hè, mục tiêu của chủ quán chỉ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt từ những bát phở của mình. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào chất lượng món ăn và kêu gọi thông thường qua cách chào hàng “vào đây ăn phở em ơi” mà không gắn liền với một yếu tố nhận diện hay tính cách đặc biệt nào, quán phở của bạn sẽ không thể nổi bật hơn rất nhiều quán phở khác trên thị trường. Đó là lý do vì sao những hàng “phở chửi, cháo quát” với những đặc trưng nổi bật tại Hà Nội lại thu hút được nhiều khách hàng đến thế.
Tương tự, với một doanh nghiệp, ra mắt và xây dựng thương hiệu một cách chu đáo, bài bản ngay từ đầu là cách nhanh chóng nhất để tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ chỉ tập trung đẩy mạnh doanh số mà không quan tâm tới hình ảnh và tính cách của thương hiệu. Ngay cả khi doanh nghiệp chỉ vừa xuất hiện trên thị trường và khách hàng chưa kịp trải nghiệm sản phẩm của bạn, việc để thương hiệu tấn công và gây ấn tượng trong tâm trí họ sẽ tạo ra tiền đề để họ muốn một lần thử nghiệm sản phẩm, sau đó chất lượng mới là yếu tố quyết định họ có nên trung thành với thương hiệu mới này hay không.
Tham khảo thêm Những câu hỏi thường gặp khi xây dựng thương hiệu
3. Phát triển mối quan hệ tốt với thị trường mục tiêu
Sự ra đời của một thương hiệu mới không đơn giản chỉ là đặt một tên gọi, thiết kế một logo hay tạo lập một website thân thiện mà còn kéo theo sự hình thành của cả những chiến lược dài hạn cũng như ngắn hạn dựa trên nền tảng là kết quả nghiên cứu rất nhiều yếu tố như đối thủ, thị trường, khách hàng mục tiêu… Rõ ràng khi có định hướng cụ thể, thương hiệu giúp doanh nghiệp xác định được chỗ đứng của mình trên thị trường và mở lối cho những phương thức giao tiếp phù hợp với khách hàng mục tiêu.
Khi mới xuất hiện trên thị trường, hãng hàng không Vietjet Air chỉ như một chấm nhỏ khi Vietnam Airlines đã thống trị lĩnh vực này. Tuy vậy, bằng cách ra mắt thương hiệu với định vị “hàng không giá rẻ”, Vietjet Air đã tạo nên cơn sốt mới khi thu hút khách hàng ở phân khúc thấp – những người chưa hoặc ít có cơ hội đi máy bay.
Hàng loạt chiến dịch truyền thông ra đời để đẩy mạnh hình ảnh một thương hiệu thân thiện với tất cả các tầng lớp, thấu hiểu mong muốn được đi máy bay của người có thu nhập thấp đã giúp Vietjet Air kết nối thành công với thị trường mục tiêu. Điều này sẽ rất khó xảy ra nếu Công ty cổ phần hàng không Vietjet chỉ đơn thuần tập trung phát triển việc bán vé máy bay mà không có sự thấu hiểu khách hàng và chiến lược tiếp cận cụ thể.
4. Bao quát được sự thống nhất giữa các yếu tố nội tại và ngoại sinh
Nhiệm vụ của nhà quản trị là phân tích và lên kế hoạch để danh tiếng doanh nghiệp và các sản phẩm – dịch vụ mà mình cung cấp được công chúng nhận diện và ghi nhớ trên thị trường. Để đạt được mục tiêu đó, nhà quản trị cần phải có cái nhìn bao quát và thống nhất được các yếu tố nội tại và ngoại sinh của doanh nghiệp thông qua xây dựng thương hiệu.
Cụ thể, với các yếu tố hữu hình của quản trị thương hiệu bao gồm sản phẩm, bao bì, giá cả… và các yếu tố vô hình được thể hiện qua những hiểu biết và cảm nhận của khách hàng về thương hiệu, bạn cần phải bao quát và tạo nên sự thống nhất giữa chúng. Sự ra đời của thương hiệu cho phép nhà quản trị điều chỉnh các yếu tố hữu hình theo đúng nhận diện và định vị mà doanh nghiệp đã đề ra.
Sự thành công của thương hiệu sẽ phản ánh tính nhất quán giữa chất lượng, cách giao tiếp, cách giải quyết các vấn đề phát sinh trong kinh doanh… với cảm nhận và ấn tượng của khách hàng với sản phẩm, doanh nghiệp, cho thấy doanh nghiệp đang đi đúng hướng. Ngược lại, sự sụt giảm uy tín thương hiệu cho thấy sự mâu thuẫn giữ các yếu tố về chất lượng sản phẩm – dịch vụ với kỳ vọng và niềm tin của khách hàng.
5. Chìa khóa vàng giúp tăng doanh số hiệu quả
Điều đầu tiên mà mỗi doanh nghiệp cần xác định trước khi cho ra đời một thương hiệu chính là các giá trị cốt lõi và ưu thế cạnh tranh của mình với đối thủ. Với nền tảng vững chắc này, xây dựng thương hiệu là quá trình giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng, đúng trọng tâm và có những chiến lược phù hợp để tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu, biến khách hàng tiềm năng thành người tiêu dùng và biến người tiêu dùng thành khách hàng trung thành.
Doanh nghiệp thực hiện điều đó bằng cách nào? Một khi đã ghi nhớ về một cái tên với những nét cá tính rõ ràng và ấn tượng cụ thể, chẳng hạn sang trọng đẳng cấp như ô tô BMW hay bền và đẹp như xe máy Honda, khách hàng thường có xu hướng đưa ra quyết định mua sắm rất nhanh theo cảm tính thay vì lý tính và phải xem xét liệu mình nên lựa chọn sản phẩm nào. Sự nhất quán trong nhận diện thương hiệu càng mạnh, hiệu quả tác động tới khách hàng càng cao. Doanh nghiệp ra mắt thương hiệu càng thành công càng dễ khiến cho nhiều khách hàng tự động lựa chọn sản phẩm của mình mà không cần suy nghĩ. Đó cũng là chìa khóa để doanh nghiệp thúc đẩy doanh số của mình.
Tham khảo thêm Chuyên gia tư vấn thương hiệu giúp bạn tăng doanh số như thế nào?
Dù nhìn từ góc độ quản trị thương hiệu hay con mắt của khách hàng, thương hiệu cũng luôn là một khái niệm mang tầm ảnh hưởng lớn tới nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi con người. Những lợi ích đối với doanh nghiệp từ việc xây dựng thương hiệu là không thể phủ nhận, do đó hoạt động này luôn cần được chú trọng và đầu tư xứng đáng. Chú trọng thế nào và đầu tư ra sao để hiệu quả, Sao Kim có thể “bật mí” với chính doanh nghiệp của bạn nếu liên hệ với chúng tôi. Hãy chuẩn bị thật tốt cho sự ra đời thương hiệu mới hoặc tái thiết kế thương hiệu của bạn ngay từ hôm nay.