Xây dựng thương hiệu chắc chắn không phải một ván bài hên xui mà phải được triển khai dựa trên những chiến lược rõ ràng và kế hoạch bài bản. Điều này đặc biệt đúng với những doanh nghiệp nhỏ, bởi nếu “lơ mơ” ngay từ khi bước chân vào thị trường, bạn hoàn toàn có thể bị những con cá lớn nuốt chửng. Dưới đây là 5 lợi ích thiết thực mà xây dựng thương hiệu bài bản mang tới cho doanh nghiệp nhỏ mà Sao Kim đúc kết được sau hàng nghìn dự án tư vấn thương hiệu.
Thế nào là xây dựng thương hiệu bài bản?
Xây dựng thương hiệu được hiểu là quá trình tạo dựng những cảm nhận, ấn tượng của khách hàng về một doanh nghiệp hay một sản phẩm, dịch vụ. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, xây dựng thương hiệu là điều mà hầu hết các doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên không phải nguồn nhân sự nào cũng đủ khả năng, điều này dẫn tới thực tế trong khi có những doanh nghiệp làm thương hiệu theo một quy trình khoa học, rõ ràng, số khác lại thực hiện theo cảm tính một cách mơ hồ.
Xây dựng thương hiệu được coi là bài bản khi doanh nghiệp triển khai dựa trên những nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng về các yếu nội tại và ngoại sinh, được thực hiện dựa trên các bước xác định cấu trúc nền móng thương hiệu, định vị thương hiệu, xây dựng chiến lược thương hiệu, xây dựng chiến lược truyền thông, đo lường và hiệu chỉnh… Từng kế hoạch và chiến lược được xây dựng đều phải dựa trên những cơ sở cụ thể và nhất quán với nhau từ khi bắt đầu.
Xây dựng thương hiệu bài bản sẽ mang lại những lợi ích thiết thực đối với các doanh nghiệp nhỏ:
1. Khẳng định sự chuyên nghiệp
Sự chuyên nghiệp được định nghĩa thông qua tính độc lập và cảm giác nghiêm túc cao độ khi tiến hành một công việc mà bản thân mình cho là ưu tiên và có tầm quan trọng thực thi. Đối với một thương hiệu, ấn tượng về sự chuyên nghiệp vô cùng quan trọng khi nó là cơ sở hình thành những cảm nhận đầu tiên của khách hàng.
Xây dựng thương hiệu bài bản tạo ra một nền tảng vững chắc và nhất quán mà khách hàng sẽ cảm nhận thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu ấn tượng, những ấn phẩm truyền thông đẹp mắt, cách tiếp đón chỉn chu, tư vấn mua sắm đồng bộ với những bài quảng cáo trên mạng xã hội và nhận được giá trị xứng đáng khi sở hữu sản phẩm hoặc trải nghiệm dịch vụ…
Toàn bộ những yếu tố đó đều không thể tự nhiên mà có, hoặc không thể được tạo nên rời rạc theo ý đồ chủ quan của chủ doanh nghiệp. Chúng phải được xây dựng đồng bộ sau quá trình nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ, xác định giá trị cốt lõi, thế mạnh thương hiệu, làm thế nào để nổi bật hơn đối thủ, khách hàng thực sự cần gì và họ trông chờ điều gì từ thương hiệu…
Đây là cách để doanh nghiệp khẳng định sự đầu tư nghiêm túc đối với hoạt động kinh doanh của mình và đưa ra những cam kết rõ ràng đối với khách hàng, là tiền đề để doanh nghiệp triển khai các kế hoạch thâm nhập vào tâm trí khách hàng.
=>> Xem thêm Quy trình 7 bước xây dựng chiến lược thương hiệu chuyên nghiệp cho SME
2. Được khách hàng ghi nhớ
Nỗ lực cuối cùng của các doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu chính là để khách hàng phân biệt được bạn với đối thủ khác và luôn nhớ tới bạn trong mọi hoàn cảnh. Với những doanh nghiệp nhỏ, để đủ sức cạnh tranh với những thương hiệu có thâm niên trên thị trường, điều này càng quan trọng. Bởi vậy, xây dựng thương hiệu càng bài bản, những ấn tượng về bạn càng rõ ràng trong trí nhớ khách hàng.
Bằng cách định vị thương hiệu, sáng tạo nhận diện và thiết lập chiến lược marketing, truyền thông đúng đắn, doanh nghiệp sẽ làm nổi bật được cá tính riêng, phản ánh bản sắc, đặc trưng của thương hiệu trong tương quan với đối thủ, từ đó định hướng suy nghĩ của khách hàng và giúp họ nhận ra bạn trước một thị trường đa dạng.
Bò sữa by Boo với những thiết kế thời trang khỏe khoắn, sáng tạo dù sinh sau đẻ muộn cũng sẽ không thể bị nhầm lẫn với một Elise công sở, thanh lịch và tinh tế. Cộng cà phê theo phong cách hoài niệm có thể được phân biệt rõ ràng trong tâm trí công chúng so với Highland Coffee hiện đại. Đó chính là lợi ích mà xây dựng thương hiệu bài bản mang lại.
Bạn nấu ăn ngon nhưng không có động thái giới thiệu món ăn đó tới mọi người, sẽ chẳng có ai quan tâm chất lượng của chúng ra sao. Nếu chỉ tập trung vào năng lực sản xuất và kinh doanh mà không chú ý tới xây dựng thương hiệu, bất kể dù sản phẩm có tốt tới đâu, doanh nghiệp cũng không đủ sức thuyết phục khách hàng.
3. Được khách hàng tin tưởng và lựa chọn
Thương hiệu nào cũng có thể sở hữu một logo và slogan ấn tượng, nhưng đó không phải là toàn bộ thương hiệu. Ít nhất, bản thân bộ nhận diện còn phải bao gồm các ứng dụng nhận diện văn phòng, ấn phẩm truyền thông, nhận diện điểm bán, biển bảng… Đây là một sai lầm mà không ít doanh nghiệp mắc phải, bởi từ khi khách hàng nhìn thấy bộ nhận diện đó cho tới khi họ quyết định dùng thử sản phẩm – dịch vụ của doanh nghiệp và quay trở lại vào lần mua sắm tiếp theo là cả một quãng đường rất dài.
Thiếu định vị thương hiệu, doanh nghiệp sẽ không xác định được đúng khách hàng mục tiêu để tập trung phục vụ; thiếu chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp không thể phát triển lâu dài và nhất quán; thiếu chiến lược marketing, liệu doanh nghiệp có hiểu đúng nhu cầu của khách hàng để cung cấp giải pháp với chi phí phù hợp?; thiếu chiến lược truyền thông, khách hàng nào sẽ tự mình thay đổi nhận thức và hành vi để chuyển sang trung thành với thương hiệu của bạn?…
Xây dựng thương hiệu bài bản phải bao gồm đầy đủ tất cả các hoạt động đó để đạt tới mục tiêu cuối cùng là cảm xúc tích cực và sự lựa chọn, tin tưởng của khách hàng. Nếu không đầu tư và nghiên cứu nghiêm túc, doanh nghiệp sẽ sớm bị khách hàng lãng quên và đào thải bởi thị trường.
4. Tăng giá trị thương hiệu
Nhiều người chấp nhận chi ra số tiền cao ở mức đáng kinh ngạc để sở hữu được một sản phẩm nào đó, chẳng hạn như một chiếc Lexus đắt đỏ hay bộ cánh Chanel xa xỉ, trong khi vẫn tồn tại những sản phẩm có chất lượng tương đương. Lý do chính nằm ở giá trị thương hiệu!
Mặc dù là ví dụ từ những thương hiệu lớn, nhưng bạn đừng quên, mọi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải xuất phát từ con số 0. Điều đó có nghĩa rằng, doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể tăng giá trị thương hiệu nhờ vào xây dựng thương hiệu bài bản.
Giá trị thương hiệu như là một tài sản vô hình, do đó chúng cần được hình thành và quản lý bởi một chương trình riêng biệt, khác với cách quản lý bán hàng hay quảng cáo. Những doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm thường cho rằng quảng cáo là công cụ duy nhất để khách hàng biết tới doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu quảng cáo không theo đúng chiến lược trong tổng thể xây dựng thương hiệu, hình ảnh thương hiệu sẽ trở nên phản cảm và rời rạc trong mắt khách hàng. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết sách về một chiến lược hay kế hoạch nào đó trong chuỗi hoạt động xây dựng thương hiệu.
5. Tạo nên một thương hiệu bền vững
Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới tính bền vững, bởi xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài theo suốt sự tồn tại của doanh nghiệp và chỉ kết thúc khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Xây dựng thương hiệu là cần thiết để doanh nghiệp đủ sức chống chọi với khó khăn, thậm chí là khủng hoảng sau này.
Với đặc thù ngân sách còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ đầu tư xây dựng thương hiệu tập trung vào một số thời điểm nhất định mà thiếu đi tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó, ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp nước ngoài không ngừng đẩy mạnh chi phí quảng bá thương hiệu. Sức ép cạnh tranh lớn đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ cần có chiến lược phát triển thương hiệu bài bản và áp dụng lâu dài.
Lợi nhuận có thể đạt được ngay thời gian đầu, nhưng ai dám chắc ấn tượng mà bạn để lại trong đầu họ thực sự đúng như bạn mong muốn không, liệu họ sẽ tiếp tục lựa chọn bạn hay chuyển sang thương hiệu khác, sản phẩm của bạn có đối đầu được với sự thay đổi không ngừng của đối thủ hay không…
Tóm lại, xây dựng thương hiệu là một bài toán không đơn giản cần các doanh nghiệp xác định hướng giải ngay từ khi bắt đầu, bằng những tính toán chặt chẽ. Đây không phải cuộc chơi cho những doanh nghiệp có tầm nhìn ngắn hạn và luôn ngại đầu tư.
Nguồn: Sao Kim branding
Chuyên gia xây dựng thương hiệu
Xem thêm những bài viết chất lượng khác: