Sự nổi tiếng nhìn chung đem lại lợi thế về mặt nhận thức. Trong thương trường cũng vậy, thương hiệu càng được nhiều người biết đến, càng có lợi là điều không thể phủ nhận. Khi có được lợi thế này, khách hàng sẽ có khả năng đi đến quyết định mua hàng cao hơn. Cuộc đua chiếm lấy vị trí số một trong tâm trí khách hàng (thương hiệu top-of-mind) dường như chưa bao giờ là dễ dàng cả, vậy doanh nghiệp của bạn sẽ cần có kế hoạch như thế nào để đạt được những mục tiêu ấy hiệu quả nhất và nhanh nhất? Bài viết này sẽ cho bạn một vài gợi ý.
Đầu tiên, “Top of Mind” có nghĩa là gì?
“Top of Mind” được hiểu là mức độ nhận biết thương hiệu cao nhất của khách hàng về một thương hiệu nào đó; khi mà người tiêu dùng được hỏi sản phẩm hay thương hiệu nào khiến họ nhớ đến đầu tiên trong một lĩnh vực kinh doanh cụ thể được đề cập. Một ví dụ nhỏ như nhắc tới bột giặt , bạn sẽ nghĩ đến Omo hay Tide đầu tiên? Hay nước ngọt có gas sẽ là Coca Cola hay Pepsi…
Để có chiến lược thương hiệu đúng đắn vươn lên vị trí số 1 về độ nhận biết, doanh nghiệp sẽ cần phải:
1. Xác định thời gian theo đuổi
Theo nghiên cứu của Chilton, 34% người tiêu dùng sẽ chờ mua sản phẩm, dịch vụ ít nhất là trong bảy tháng ; 27% số người sẽ mua vào hơn một năm sau đó. Nếu hơn 60% khách hàng tiềm năng của bạn đang chờ đợi một khoảng thời gian khá dài để ra quyết định mua cuối cùng thì đó chính là cơ hội để bạn kiên trì xây dựng vị trí của chính mình. Trong trường hợp doanh nghiệp không bám đuổi mục tiêu của mình một cách tập trung nhất hoặc không làm gì cả để tăng độ nhận biết thì khách hàng cuối cùng cũng sẽ quên mất và quyết định mua hàng sẽ rơi vào quên lãng rất nhanh bởi sự xuất hiện và thu hút của hàng loạt các thương hiệu mới lớn đến nhỏ trên thị trường. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, nhất thiết doanh nghiệp của bạn cần tuân thủ thời gian và kiên trì bám đuổi mục tiêu một cách sát sao, chú tâm thực sự nhằm lôi kéo khách hàng về mình.
2. Đảm bảo rằng thương hiệu luôn được tìm thấy
Còn gì lãng phí nguồn lực hơn nếu ra sức đầu tư mà vẫn không ai biết tới thương hiệu của bạn tồn tại. Tối ưu hóa trang web, tham gia tích cực vào việc xây dựng sự kết nối, sử dụng chiến lược từ khóa và các cơ hội để tạo dựng uy tín với nguồn nội dung thật mạnh là điều doanh nghiệp cần phải làm. Khi một người tìm kiếm thông tin về thương hiệu nào đó, đảm bảo rằng doanh nghiệp bạn sẽ không bỏ lỡ cơ hội được xuất hiện trong số những kết quả được tìm thấy đầu tiên để trở nên ưu thế hơn. Sẽ có rất nhiều thương hiệu cùng chạy đua giống như chính doanh nghiệp của bạn đang làm, vì vậy nếu chỉ cần một chút sự lơ là, thiếu tập trung khi đẩy từ khóa về thương hiệu, chắc chắn trang web hay kết quả tìm kiếm về thương hiệu của bạn sẽ nhanh chóng tụt hạng và bị chiếm mất vị trí.
3. Đầu tư vào nội dung
Nội dung đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến khách hàng. Đó sẽ phải là những thông tin hấp dẫn, nhận được sự quan tâm và có lối diễn đạt linh hoạt trên nhiều hình thức. Khách hàng chắc hẳn sẽ không thể ấn tượng với những nội dung quảng cáo nhàm chán và tẻ nhạt. Vậy thì họ cũng sẽ không thể nhớ đến thương hiệu ấy một cách sâu đậm. Ngay như lời chào đầu tiên gửi đến khách hàng qua sử dụng email-marketing, nội dung càng phải được đầu tư và thú vị hơn bởi sự tiếp cận diễn ra trong một khoảng thời gian rất nhanh chóng, khách hàng chỉ lướt qua email và có thể cảm thấy chú ý hoặc là thờ ơ xóa bỏ ngay tức thì. Cơ hội để lọt vào tầm mắt của khách hàng đã không nhiều, nội dung lại không có gì đặc biệt thì quả là một sự đáng tiếc cho việc quảng bá.
4. Cung cấp thông tin thực sự có ích đến khách hàng
Khách hàng ngày nay có một kho trữ thông tin khổng lồ để tìm kiếm, vì thế họ biết về sản phẩm, dịch vụ của bạn rất nhanh chóng chi với một vài thao tác tìm kiếm đơn giản. Thậm chí họ có thể so sánh thương hiệu này với thương hiệu khác và đọc được phản hồi từ nhiều khách hàng đã mua hay sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Khách hàng vẫn luôn lắng nghe và xem bạn sẽ nói về thương hiệu của mình như thế nào, có đúng với những gì mà họ đã tìm được hay không hoặc có giống như những người khác mô tả. Nếu bạn cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ, cần giải thích cụ thể rằng tại sao nó trở nên vượt trội và đáng bỏ tiền để sở hữu hơn là giá cả. Giá tiền sẽ tương ứng với giá trị, vì thế hãy nhấn mạnh vào lí do tại sao họ lại nên mua.
5. Không so sánh
Đừng phí thời gian nói về các đối thủ cạnh tranh; thay vào đó, hãy tập trung để nói về bản thân mình, về chính sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp bạn có. Học cách lắng nghe nhiều hơn để tìm hiểu khách hàng mong muốn điều gì, phản ứng của họ ra sao, cách tiếp cận như thế nào sẽ đến gần được họ. Nếu như các đối thủ cạnh tranh có bị thu hút và bắt chước cách triển khai của doanh nghiệp bạn, thay vì chỉ trích, hạ thấp các nhãn hiệu khác, bạn cần biến đối thủ trở thành khán giả của mình. Mỗi thương hiệu có điểm mạnh riêng và cần khai thác để trở nên nổi bật nhất có thể.
Dù quy mô của doanh nghiệp ở mức vừa và nhỏ, khách hàng vẫn luôn cần có sự nhận thức về thương hiệu với cảm xúc thực sự. Chỉ thương hiệu nào chiếm được trái tim của họ, thương hiệu ấy mới xứng đáng nằm ở vị trí “Top-of-mind” mà khách hàng sẽ luôn nhớ đến đầu tiên.
Hi vọng qua bài viết này, doanh nghiệp bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích trong việc xây dựng thương hiệu của mình. Sao Kim sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần những tư vấn chuyên sâu hơn từ đội ngũ của chúng tôi.
Nguồn: Sao Kim Branding
Chuyên gia hàng đầu về thương hiệu
Xem thêm những bài viết khác:
Follow các bài viết chất lượng của Sao Kim tại:
Blog Sao Kim, Cẩm Nang Sao Kim
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding
#SaoKim #SaoKimBranding #ThietKeLogo #Logo