Rất nhiều Startup thực sự có năng lực về chuyên môn nhưng còn thiếu sót kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Cũng không ít Startup chưa định hình được việc phải tạo ra cho mình một hệ thống nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp, và làm thế nào để thực hiện được điều đó. Trong bài viết dưới đây, Sao Kim sẽ định hình giúp Startup cách để có một hệ thống nhận diện chuyên nghiệp.
Thế nào là một hệ thống nhận diện chuyên nghiệp?
Không có một tiêu chuẩn nào chính xác để đánh giá sự chuyên nghiệp của một bộ nhận diện thương hiệu, nhưng những hệ thống nhận diện chuyên nghiệp đều có chung những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất là đáp ứng được tiêu chuẩn ngành. Một bộ nhận diện chuyên nghiệp phải thể hiện được đặc trưng riêng của ngành hàng và khơi gợi cảm giác về thương hiệu nơi khách hàng. Ví dụ, nhận diện của một thương hiệu thời trang phải toát lên được vẻ đẹp, sự sáng tạo và cuốn hút, trong khi nhận diện thương hiệu ẩm thực cần kích thích được vị giác.
Thứ hai là tính nhất quán. Dù có nhiều tới đâu thì những ứng dụng của bộ nhận diện đều phục vụ cho mục tiêu chung là truyền tải hình ảnh của thương hiệu tới khách hàng. Do đó, chúng phải có sự đồng bộ trong thiết kế và sử dụng đúng biểu tượng, màu sắc, tỷ lệ, font chữ… theo quy chuẩn của doanh nghiệp.
Thứ ba là thể hiện được giá trị cốt lõi, cam kết của doanh nghiệp. Khách hàng cần cảm nhận được những nỗ lực và lời hứa của thương hiệu thông qua bộ nhận diện. Chúng có khả năng được thể hiện bởi các ứng dụng cốt lõi trong hệ thống như tên gọi, biểu tượng đặc trưng, màu sắc, slogan.
Thứ tư là độc đáo và khác biệt. Một thương hiệu dễ bị đánh giá là ăn theo và chẳng có gì đáng để khám phá nếu sở hữu một bộ nhận diện có vẻ na ná với thương hiệu khác. Khách hàng cũng có thể nhầm lẫn bạn với muôn vàn đối thủ khác nếu thương hiệu không có sự đột phá trong nhận diện.
Thứ năm là hiển thị tốt trên các kênh khác nhau. Thiết kế nhận diện thương hiệu cần đáp ứng được yêu cầu thi công và hiển thị tốt trên các kênh khác nhau, từ website, blog, youtube cho tới bảng biển quảng cáo, ấn phẩm truyền thông…
Xem thêm 5 bước xây dựng bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả
Làm thế nào để Startup có một hệ thống nhận diện chuyên nghiệp?
1. Xuất phát từ đặc trưng ngành hàng
Sẽ thật không hay nếu ngay từ lần đầu tiếp xúc với nhận diện thương hiệu, khách hàng không cảm nhận được sự hiện đại trong khi Startup của bạn chuyên cung cấp những giải pháp công nghệ, hoặc họ hiểu nhầm lĩnh vực mà bạn đang hoạt động. Đó là minh chứng cho thấy một bộ nhận diện thương hiệu cần được thiết kế xuất phát từ đặc trưng các lĩnh vực.
Trước khi lên ý tưởng, bạn có thể liệt kê những đặc trưng trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, Startup dịch vụ giao hàng cần nhấn mạnh vào sự nhanh chóng, cẩn trọng, do vậy có thể chọn biểu tượng hình mũi tên hoặc kẻ sọc… để phản ánh được tốc độ; lĩnh vực thời trang là đẹp, sang trọng và tinh tế…, vì thế cần những biểu tượng mang tính thanh lịch, mềm mại hơn. Theo đó, font chữ cũng cần được lựa chọn để phù hợp với đường nét và ý nghĩa của biểu tượng.
Việc lựa chọn màu sắc cũng giúp thương hiệu tác động tới nhận thức và cảm xúc của khách hàng. Màu đỏ và vàng có khả năng kích thích vị giác và phù hợp với những Startup nhà hàng, trong khi đó các Startup sáng tạo sản phẩm cho trẻ em lại lựa chọn màu cam để đại diện cho sự sôi động, vui tươi…
2. Xuất phát từ giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi của một thương hiệu là bộ quy tắc chung có ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy, hành động của các thành viên và thể hiện niềm tin của Startup. Bộ nhận diện thương hiệu chính là công cụ giúp bạn truyền tải hệ niềm tin đó tới khách hàng, để họ cảm nhận được tầm nhìn, sứ mệnh, tính cách thương hiệu ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Appota – một Startup cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh đặt ra giá trị cốt lõi của mình là phục vụ cộng đồng thật tốt với sự chỉn chu, chân thành và cởi mở. Họ lựa chọn màu xanh lá để tạo cảm giác thân thiện, tốt đẹp. Màu sắc này cũng thể hiện cho sự tăng trưởng và phát đạt, hứa hẹn cho một tương lai thành công của Startup.
Hoặc với WeFit – 1 trong 3 Startup tiềm năng từ năm 2016, ngay cái tên đã cho thấy nỗ lực của họ trong việc thay đổi thói quen vận động và tập luyện của người Việt. Với sứ mệnh dùng công nghệ thông tin và internet để đem tới môi trường rèn luyện sức khỏe dễ dàng, thuận tiện nhất cho mọi người, họ thiết kế nhận diện thương hiệu với 2 đường đơn gấp khúc và font chữ không chân tối giản, khẳng định tính hiện đại, mới mẻ trong giải pháp nhưng cũng rất đơn giản, dễ dàng.
3. Phù hợp với định vị của thương hiệu
Bất kể Startup hay các doanh nghiệp lớn nhỏ đều có định vị riêng cho thương hiệu mà mình xây dựng. Để tăng khả năng nhận biết thương hiệu và giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu tốt hơn, hệ thống nhận diện cần phù hợp với định vị và cá tính riêng của thương hiệu. Điều này khiến công chúng dễ liên tưởng hơn tới thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh ngày một căng thẳng giữa các Startup và doanh nghiệp.
Bạn nên đứng trên lập trường của khách hàng mục tiêu để tưởng tượng về điều mà họ mong muốn từ thương hiệu thông qua bộ nhận diện. Với thương hiệu mang tính cách trẻ trung thì một slogan và biểu tượng đơn giản, hiện đại là phù hợp với thị hiếu của những người trẻ, hoặc nếu thế mạnh thương hiệu là mang tới những giá trị không giới hạn, bạn có thể kết hợp nhiều màu sắc trong nhận diện thương hiệu như cách mà Google đã sử dụng.
4. Tuân theo những “nguyên tắc vàng”
Đối với một bộ nhận diện thương hiệu, chỉ phản ánh đúng cá tính thương hiệu, phù hợp với đặc trưng ngành hàng hay khẳng định nỗ lực của Startup là chưa đủ. Bộ nhận diện của một thương hiệu cũng cần tuân theo một số “nguyên tắc vàng”.
Thứ nhất, nhận diện phải mang tính độc đáo, phá vỡ những thói quen sử dụng hình ảnh thông thường, chẳng hạn, Startup công nghệ không nhất thiết phải sử dụng hình ảnh chiếc máy tính, Startup giáo dục không nên sử dụng yếu tố liên quan tới bút sách… Sáng tạo những hình ảnh khác lạ nhưng vẫn ẩn chứa ý nghĩa mới là cách khiến bạn khác biệt với đối thủ và tác động tới cảm xúc của khách hàng.
Thứ hai, nhận diện phải dễ nhớ, đặc biệt là logo. Cho dù bạn có nhiều ý tưởng tới đâu, muốn kết hợp nhiều hình ảnh tới đâu thì logo thương hiệu cũng chỉ nên là một biểu tượng đơn giản, rõ ràng. Bên cạnh đó, hãy cố gắng lựa chọn một Brand Name dễ đọc và một Slogan ngắn gọn, xúc tích. Đó là điều kiện khách hàng ghi nhớ và dễ liên tưởng tới bạn. Nhận diện đơn giản cũng tạo thuận lợi cho việc in ấn và thi công.
Thứ ba, nhận diện phải dễ chuyển đổi và dễ thích nghi. Xu hướng thiết kế logo bao gồm cả văn bản, minh họa và biểu tượng đều khá phổ biến, điều này cho phép các thương hiệu dễ dàng chuyển đổi logo trong từng thiết kế đặc thù, ví dụ lược bỏ phần văn bản, chuyển sang dạng âm bản…
5. Xây dựng Brand Guidelines
Hệ thống nhận diện của mỗi thương hiệu cần được nắm vững bởi mọi thành viên và phải được triển khai một cách đồng bộ, đúng quy chuẩn. Xây dựng và phổ biến Brand Guidelines chính là cách để Startup thông báo về quy định sử dụng các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu bao gồm tên gọi, biểu tượng, slogan, màu sắc, font chữ, tỷ lệ giữa các thành tố tạo nên nhận diện… trong thiết kế và các hoạt động quảng bá thương hiệu tới mọi thành viên.
Nếu không có Brand Guidelines, việc áp dụng nhận diện trong thực tiễn sẽ không thống nhất, dễ mâu thuẫn và tạo ra hình ảnh không chuyên nghiệp. Hệ thống nhận diện càng được sử dụng nhất quán, mức độ nhận biết thương hiệu càng tăng lên.
Xem thêm Khi nào doanh nghiệp cần Brand Guidelines?
Để tạo nên một hệ thống nhận diện chuyên nghiệp, Startup cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng và vận dụng mọi khả năng sáng tạo. Còn rất nhiều bí quyết quan trọng để quyết định sự thành công của một bộ nhận diện mà không phải ai cũng có khái niệm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích và bí quyết để bạn thuyết phục khách hàng lựa chọn mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hãy kết nối với chúng tôi thông qua số điện thoại 0964.699.499 hoặc contact@www.saokim.com.vn