Sức mạnh thương hiệu có thể ảnh hướng tới sự lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của khách hàng, sự lựa chọn nơi làm việc của nhân viên hoặc sự lựa chọn hợp tác, kinh doanh của các nhà đầu tư và các cơ quan chính phủ.
Các thương hiệu mạnh có giá trị vì chúng thúc đẩy dòng tiền có thể dự đoán được trong tương lai và tỷ suất lợi nhuận cao hơn, cho phép chủ sở hữu thương hiệu có các phương án mở rộng dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả sang các sản phẩm mới, thị trường mới và các kênh mới.
Vậy đâu là 10 nhân tố tạo nên sức mạnh thương hiệu mà Brand Manager cần nắm vững?
1. Định nghĩa về sức mạnh thương hiệu
“Sức mạnh thương hiệu là khả năng thương hiệu ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến khách hàng và các bên liên quan” (ISO.org)
“Sức mạnh thương hiệu đo lường khả năng của thương hiệu trong việc đảm bảo cung cấp thu nhập dự
kiến trong tương lai” (Interbrand)
“Sức mạnh của thương hiệu phản ánh sự cân bằng giữa các khoản đầu tư marketing, mức độ tín nhiệm thương hiệu của các bên liên quan, và thành tích kinh doanh.” (Brand Finance)
Xây dựng sức mạnh thương hiệu là một yếu tố quan trọng đối với mọi doanh nghiệp
Sức mạnh thương hiệu thể hiện qua các chỉ tiêu phản ánh thể trạng một thương hiệu, qua đó cho biết mức độ hiệu quả của các hoạt động marketing cho thương hiệu
2. Tầm quan trọng của thương hiệu mạnh đối với doanh nghiệp
Trong thế giới kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh, thương hiệu không chỉ là bộ mặt của doanh nghiệp mà còn là linh hồn, là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thương hiệu mạnh là bước đi chiến lược tạo nên sự khác biệt, gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh, tạo dựng uy tín và nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Thương hiệu mạnh giúp doanh nghiệp tự tin giữ vững vị trí trên thị trường
2.1 Nâng cao giá trị sản phẩm/ dịch vụ
Thương hiệu mạnh không chỉ đơn thuần là biểu tượng, logo hay slogan mà còn là chất lượng, giá trị mà nó đại diện.
Khi một sản phẩm mang thương hiệu được nhận diện rộng rãi và tin tưởng bởi khách hàng, doanh nghiệp có khả năng định giá sản phẩm của mình cao hơn, tạo ra lợi nhuận lớn hơn so với sản phẩm không có hoặc có thương hiệu yếu.
Sức mạnh thương hiệu không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn từ giá trị cảm xúc và sự kỳ vọng mà thương hiệu tạo ra trong tâm trí khách hàng.
2.2 Tăng khả năng cạnh tranh
Trong thị trường đa dạng với vô số lựa chọn cho người tiêu dùng, một thương hiệu mạnh là điểm tựa vững chắc giúp sản phẩm của bạn nổi bật giữa đám đông.
Sức mạnh thương hiệu tạo ra một “rào cản” cạnh tranh tự nhiên, khiến đối thủ khó có thể bắt kịp chỉ qua sản phẩm hay giá cả. Nó cũng là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm tiếp cận được nhóm khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.
2.3 Thu hút và giữ chân khách hàng
Thương hiệu mạnh tạo ra mối liên kết cảm xúc với khách hàng. Mọi trải nghiệm tích cực từ sản phẩm, dịch vụ đến giao tiếp khách hàng đều góp phần tạo dựng lòng trung thành.
Khách hàng không chỉ mua một sản phẩm hay dịch vụ mà họ mua vào câu chuyện, giá trị mà thương hiệu mang lại. Điều này giúp khách hàng trở thành người ủng hộ, sẵn lòng giới thiệu thương hiệu cho người khác.
2.4 Tạo dựng niềm tin và sự uy tín
Một thương hiệu mạnh là chứng nhận không chính thức cho chất lượng và sự tin cậy của sản phẩm/ dịch vụ.
Khi thương hiệu được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chất lượng và đạo đức kinh doanh, niềm tin từ phía khách hàng sẽ được củng cố, qua đó xây dựng sự uy tín và hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong lòng công chúng.
2.5 Nâng cao giá trị doanh nghiệp
Sức mạnh thương hiệu chính là tài sản vô hình nhưng có giá trị to lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Một thương hiệu mạnh có thể giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh và tăng cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược.
Sức mạnh thương hiệu không chỉ thể hiện qua doanh thu mà còn qua giá trị thị trường và vị thế của doanh nghiệp trong ngành.
2.6 Tạo thuận lợi trong việc mở rộng thị trường
Thương hiệu mạnh có sức hút rất lớn với thị trường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và thu hút khách hàng tiềm năng, thậm chí còn thu hút cả khách hàng của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh.
Điều này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương hiệu giúp các doanh nghiệp giải bài toán hóc búa về thâm nhập, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường.
Đọc thêm: ‘Thương hiệu mạnh giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh’
3. 10 nhân tố tạo nên sức mạnh thương hiệu theo Interbrand
Sức mạnh thương hiệu không chỉ là khái niệm mơ hồ mà đã trở thành một chỉ số đo lường cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Theo Interbrand – một trong những công ty tư vấn thương hiệu hàng đầu thế giới, sức mạnh thương hiệu được xác định qua 10 nhân tố chính, bao gồm các yếu tố bên trong và bên ngoài.
3.1. 4 Yếu tố bên trong tạo nên sức mạnh thương hiệu
Clarity (Định hướng rõ ràng)
Sự rõ ràng về mục tiêu, giá trị cốt lõi và định hướng phát triển của thương hiệu là nền tảng giúp khách hàng và nhân viên hiểu rõ thương hiệu mình đang gắn bó.
Sự rõ ràng trong mọi thông điệp và chiến lược giúp thương hiệu xây dựng được lòng tin và sự ủng hộ từ khách hàng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Commitment (Cam kết)
Sự cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo và nhân viên tạo nên sức mạnh cho thương hiệu từ bên trong. Khi mọi người trong tổ chức đều hướng tới một mục tiêu chung và cam kết với việc xây dựng và duy trì giá trị thương hiệu, sức mạnh đó sẽ được thể hiện ra bên ngoài một cách rõ ràng.
Cam kết còn thể hiện ở việc đầu tư vào nguồn lực, thời gian và sự sáng tạo, đảm bảo thương hiệu luôn được phát triển và cải thiện.
Governance (Quản trị)
Quản trị thương hiệu không chỉ là việc thiết lập các quy định và quy trình mà còn bao gồm việc giám sát và điều chỉnh chúng một cách linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu khách hàng.
Sự nhất quán trong quản trị giúp thương hiệu giữ vững được hình ảnh và giá trị của mình, đồng thời cung cấp một khuôn khổ để mọi hoạt động diễn ra một cách có tổ chức và hiệu quả.
Responsiveness (Khả năng thích nghi)
Sự phản hồi nhanh nhạy với thị trường và khách hàng là khả năng không thể thiếu của một thương hiệu mạnh.
Trong thế giới ngày nay, nhu cầu và xu hướng thay đổi liên tục, việc một thương hiệu có khả năng lắng nghe, hiểu biết và thích ứng nhanh chóng với những thay đổi đó sẽ giúp thương hiệu luôn tiến lên và giữ vững vị trí của mình trong lòng khách hàng.
Điều này không chỉ giúp thương hiệu giải quyết các thách thức một cách kịp thời mà còn tận dụng được các cơ hội mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển và đổi mới.
3.2. 6 Yếu tố bên ngoài tạo nên sức mạnh thương hiệu
Authenticity (Tính chân thực)
Khách hàng ngày càng thông minh và nhạy bén, họ có thể dễ dàng nhận biết sự giả tạo từ một thương hiệu. Một thương hiệu chân thực, từ sản phẩm, dịch vụ đến các thông điệp truyền thông, sẽ tạo dựng được niềm tin và kết nối sâu sắc với khách hàng.
Sự chân thực này giúp khách hàng cảm thấy được tôn trọng, qua đó họ sẵn lòng gắn bó lâu dài và chia sẻ giá trị của thương hiệu với người khác.
Relevance (Tính liên kết)
Sự liên quan của thương hiệu đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng sức mạnh thương hiệu.
Một thương hiệu mạnh phải luôn cập nhật và thích ứng để đáp ứng chính xác và kịp thời nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng.
Thương hiệu cần nắm bắt được insight của khách hàng, từ đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và thông điệp truyền thông có sự gắn kết mạnh mẽ, giúp thương hiệu trở thành lựa chọn hàng đầu.
Differentiation (Sự khác biệt)
Trong một thị trường đầy ắp lựa chọn, sự khác biệt định vị thương hiệu một cách rõ ràng và mạnh mẽ trước đối thủ cạnh tranh. Đây là chìa khóa giúp thương hiệu tạo dựng vị thế và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Sự khác biệt có thể đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt, trải nghiệm khách hàng độc đáo hoặc câu chuyện thương hiệu riêng biệt. Điều quan trọng là khách hàng nhận thấy và trân trọng giá trị độc đáo mà thương hiệu mang lại.
Consistency (Tính nhất quán)
Nhất quán trong mọi khía cạnh của thương hiệu là yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng.
Sự nhất quán trong thông điệp, hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng qua mọi điểm tiếp xúc đảm bảo rằng khách hàng luôn nhận được sự đồng nhất, từ đó củng cố nhận thức và tình cảm của họ đối với thương hiệu.
Presence (Sự hiện diện)
Sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường qua các kênh truyền thông, sự kiện và hoạt động marketing là yếu tố quan trọng giúp thương hiệu duy trì sự gần gũi và dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Một thương hiệu có sự hiện diện rộng khắp, liên tục và tích cực sẽ tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng, từ đó tăng cường sự nhận biết và yêu thích thương hiệu.
Engagement (Tính tương tác)
Tương tác là yếu tố quyết định trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa khách hàng và thương hiệu. Một thương hiệu mạnh tạo ra sự tương tác và gắn kết với khách hàng thông qua các chiến dịch truyền thông sáng tạo, trải nghiệm khách hàng tuyệt vời.
Sự tương tác này không chỉ tạo ra cảm xúc và trải nghiệm khó quên mà còn khích lệ khách hàng trở thành người truyền bá giá trị thương hiệu.
Đọc thêm: 5 điểm chung tạo nên các thương hiệu mạnh tại Việt Nam
4. Các yếu tố đánh giá sức mạnh thương hiệu
Trong thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh hiện nay, việc đánh giá và nắm bắt được sức mạnh thương hiệu là chìa khóa giúp doanh nghiệp duy trì vị thế và phát triển bền vững.
Đâu là những yếu tố để đánh giá sức mạnh thương hiệu?
Dưới đây là cách thức đánh giá sức mạnh thương hiệu thông qua ba yếu tố chính: kiến thức thương hiệu, kênh phân phối và tài chính.
4.1 Đánh giá sức mạnh thương hiệu thông qua nhận thức thương hiệu
Đo lường nhận biết thương hiệu
- Khả năng nhận biết không cần/cần hỗ trợ: Đo lường sự nhận biết thương hiệu qua việc khách hàng có thể nhận diện thương hiệu mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào (ví dụ: logo, slogan) hoặc qua sự hỗ trợ.
- Khả năng gợi nhớ: Đánh giá mức độ mà khách hàng có thể tự gợi nhớ thương hiệu mà không cần bất kỳ dấu hiệu nào, qua đó phản ánh sức mạnh của thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Đo lường hình ảnh thương hiệu
- Xác định lý do lựa chọn thương hiệu: Phân tích lý do khiến khách hàng chọn thương hiệu này hơn các đối thủ, từ đó hiểu được giá trị cốt lõi mà thương hiệu mang lại.
- Mức độ nhận biết và ưa thích quảng cáo: Đo lường sự nhận biết và yêu thích các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu, qua đó đánh giá hiệu quả truyền thông.
4.2 Đánh giá sức mạnh thương hiệu thông qua kênh phân phối
- Độ phủ của sản phẩm: Xem xét sự phủ sóng của sản phẩm trên thị trường, bao gồm số lượng cửa hàng, kênh bán hàng online và offline.
- Mức độ hài lòng của khách hàng tại điểm phân phối: Đánh giá trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng khi mua sắm, là thước đo quan trọng về sức mạnh thương hiệu tại điểm bán.
- Doanh số trung bình: Phân tích doanh số bán hàng, so sánh với các đối thủ cạnh tranh để đánh giá vị thế và sức mạnh của thương hiệu trên thị trường.
4.3 Đánh giá sức mạnh thương hiệu dựa trên tài chính
- Doanh thu: Đo lường tổng doanh thu từ sản phẩm/dịch vụ, là chỉ số trực tiếp phản ánh sức hút và vị thế của thương hiệu.
- Tỉ suất lợi nhuận: Phân tích tỉ lệ lợi nhuận so với doanh thu, cho thấy hiệu quả kinh doanh và khả năng tạo ra lợi nhuận từ thương hiệu.
- Khả năng thanh toán: Đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, từ đó suy luận về sức khỏe tài chính và sức mạnh thương hiệu.
- Hiệu quả chi phí Marketing: Phân tích chi phí marketing so với doanh thu và sự tăng trưởng của thương hiệu, đánh giá hiệu quả các chiến lược marketing đã được áp dụng.
Tổng kết
Phân tích và đánh giá sức mạnh thương hiệu qua các yếu tố như kiến thức thương hiệu, kênh phân phối và tài chính đã cho thấy, việc xây dựng và duy trì một thương hiệu mạnh là quá trình đòi hỏi sự đầu tư, cam kết và chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Việc xây dựng và phát triển sức mạnh thương hiệu không chỉ là nhiệm vụ của các Brand Manager mà còn là trách nhiệm của toàn bộ doanh nghiệp.
Trong thời đại kinh doanh công nghệ hóa và toàn cầu hóa, sức mạnh thương hiệu là một trong những yếu tố then chốt định hình sự thành công và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, là lợi thế cạnh tranh bền vững, giúp doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức và đạt được thành công.
Các thương hiệu mạnh không chỉ thúc đẩy dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận cao hơn mà còn là cơ hội cho việc mở rộng các sản phẩm, thị trường mới một cách dễ dàng và hiệu quả.
Nguồn: Sao Kim Branding
Chuyên gia xây dựng thương hiệu