Cùng Sao Kim tìm hiểu về 50 Chỉ số Xu hướng Marketing để có cơ sở ra quyết định tốt hơn cho các hoạt động marketing trong năm 2022.
Trong trạng thái bình thường mới, các yếu tố mới (đại dịch, thay đổi chính sách…) và cũ (thay đổi khí hậu, văn hóa truyền thống…) hòa trộn với nhau tạo thành những làn sóng thời đại mới, đem lại sự ảnh hưởng đến toàn ngành.
Những chỉ số về xu hướng marketing này, được Sao Kim tổng hợp dẫn nguồn từ nhiều đầu báo quốc tế uy tín, hy vọng giúp ích bạn có những căn cứ & định hướng phù hợp về Marketing – Branding phù hợp cho doanh nghiệp mình trong năm 2022. Không phải để chạy theo mà “bắt nhịp” với thời cuộc. Để biết những gì làm là không “lỗi thời”.
Điểm nhanh 10 chỉ số quan trọng về Xu hướng Marketing trong năm 2022
I. Chỉ số xu hướng của người tiêu dùng
Đánh trúng “tim đen” người tiêu dùng vẫn là mục tiêu cốt lõi của các nhà tiếp thị. Hiểu được thay đổi trong cách tiêu dùng của khách hàng sẽ là kim chỉ nam giúp Marketer định hướng cách tiếp thị, thậm chí bạn còn có thể là người tạo ra những xu hướng.
- 73% người dùng trực tuyến đang bổ sung nhiều bước bảo vệ quyền riêng tư hơn trước. Khách hàng có nhận thức cao về dữ liệu cá nhân. Thương hiệu cần đề cao giá trị cảm xúc con người của khách hàng, hơn chỉ là các thống kê dữ liệu để phân tích nhân khẩu học và sở thích, để tạo ra những nội dung tiếp thị phù hợp.
- Người tiêu dùng có xu hướng chi trả cho những sản phẩm lành mạnh, bền vững lên đến 55%. Trách nhiệm xã hội, giá trị cuộc sống và sức khỏe là cơ sở mới để khách hàng quyết định trung thành với thương hiệu. Hãy đưa ra những đề xuất tích cực xoay quanh nhu cầu và sở thích của họ để gia tăng tương tác, kết nối khách hàng.
- Tỷ lệ người tiêu dùng cởi mở hơn trên nền tảng trực tuyến tăng 44% sau khi họ biết đến những câu chuyện về khó khăn của người khác và xã hội.
- Sự diễn ra phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng với sự ảnh hưởng của các vấn đề môi trường đã khiến 2/3 người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
- Gần 30% người tiêu dùng thuộc thế hệ Z và Millennials muốn dành ít thời gian hơn trên mạng xã hội, nói “không” với các hoạt động xã hội để tập trung vào bản thân hoặc dành ít thời gian hơn để đọc tin tức nhằm quản lý sức khỏe tinh thần của họ.
II. Chỉ số xu hướng về thương hiệu
Nắm bắt xu hướng nhu cầu tiêu dùng của thị trường là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đổi mới công việc kinh doanh của mình. Từ đó mới có thể trở nên nổi bật so với đối thủ cạnh tranh và lan tỏa được giá trị thương hiệu của bạn đến với khách hàng.
- 68% người tiêu dùng tin rằng họ có khả năng khiến các thương hiệu phải thay đổi. Với xu hướng sẵn sàng thay đổi thương hiệu để có giao dịch tốt hơn, khách hàng chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp tiêu dùng và liên tục tạo “sức ép” để thương hiệu thay đổi phù hợp với thị hiếu.
- 86% người tiêu dùng kỳ vọng Giám đốc điều hành (CEO) lên tiếng về các vấn đề xã hội. Khách hàng thích mua thương hiệu mang lại cho họ cảm giác đây là thương hiệu được dẫn dắt bởi lãnh đạo tốt. CEO nên xây dựng thương hiệu cá nhân tốt để thiết lập thành công hình ảnh tích cực về bản thân và thương hiệu doanh nghiệp.
- 96% khách hàng nói rằng dịch vụ khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nhãn hiệu hoặc lòng trung thành với nhãn hiệu đó. Đồng thời, 96% người sẽ không sử dụng thương hiệu nữa đối với dịch vụ khách hàng tệ.
- Thương hiệu tạo được kết nối cảm xúc với khách hàng giúp tăng 306% giá trị vòng đời khách hàng, tăng khả năng gắn bó thương hiệu trung bình 5.1 năm và khả năng giới thiệu thương hiệu với tỷ lệ cao hơn là 71%.
- Chỉ mất 0,05 giây để người tiêu dùng đưa ra đánh giá về trang website và thương hiệu của bạn. Một yếu tố nhỏ cũng khiến bạn mất điểm ngay lập tức. Ngược lại, một trang web được thiết kế tốt sẽ nâng cao độ tin cậy cho trang web của bạn, khuyến khích người dùng ở lại lâu hơn và phát triển bản sắc thương hiệu của bạn.
- Màu sắc giúp cải thiện khả năng nhận diện thương hiệu lên đến 80%. Trong đó 33% trong số 100 thương hiệu hàng đầu trên thế giới có logo màu xanh lam, điển hình là Twitter, Facebook và Visa.
- 90% khách hàng mong đợi thương hiệu có trạng thái hoạt động đồng đều trên tất cả các kênh.Thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội là chìa khóa để khách hàng luôn được cập nhật thường xuyên với các nội dung mới, đảm bảo ROI cao hơn.
III. Chỉ số xu hướng của một vài loại hình Marketing phổ biến
Những chiến thuật tiếp thị truyền thống và hiện đại vẫn đang được áp dụng phổ biến bởi Marketer và được sử dụng rộng rãi bởi người tiêu dùng. Đây sẽ tiếp tục là xu hướng tiếp thị cho đến khi các loại hình công nghệ tân tiến khác được phát triển toàn diện và phổ thông (như AI Marketing).
Xu hướng Content Marketing:
- 91% B2B Marketers cho biết họ sử dụng content Marketing trong chiến lược tổng thể. Bằng cách tạo ra nội dung mới và có liên quan trên các kênh kỹ thuật số của mình, bạn sẽ gia tăng nhận diện thương hiệu, tiếp thị sản phẩm/dịch vụ và lan tỏa giá trị thương hiệu.
- Theo HubSpot, 47% người tiêu dùng xem 3 – 5 bài viết quảng bá của thương hiệu trước khi tương tác trực tiếp với bên bán hàng. Những nội dung này sẽ là điểm chạm chính thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định mua sản phẩm và dịch vụ thương hiệu. Bài viết tiếp thị trọng tâm, đánh trúng insight sẽ là những nội dung đắt giá.
- Bài viết với độ dài từ 1.000 – 2.000 dễ dàng tạo ra các backlink tự nhiên, chất lượng hơn 77.2% so với các bài viết ngắn, giúp thu hút nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội hơn và giúp tăng thứ hạng trên Google Search.
- Nội dung hài hước, nhẹ nhàng có xu hướng thu hút người tiêu dùng đến 55%. Gen Z – người tiêu dùng chủ chốt trong tương lai rất yêu thích những nội dung như vậy, họ có xu hướng chia sẻ và lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp tích cực.
Xu hướng Video Marketing:
- Đến năm 2022, hơn 82% lưu lượng truy cập của người dùng trực tuyến sẽ liên quan đến việc xem video. Video là dạng nội dung dễ dàng được lan truyền bởi độ “viral” và bắt trends nhanh chóng. Bài toán cho các nhà tiếp thị để khiến Video Marketing của mình được nổi tiếng đó là luôn cập nhật xu hướng, trở nên sáng tạo và tận dụng các loại nội dung do người dùng tạo ra (User Generated Content).
- Video dạng ngắn là loại nội dung truyền thông mạng xã hội hiệu quả nhất năm 2021 theo xếp hạng của 85% nhà tiếp thị, và nó sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2022. Sự lên ngôi của Tik Tok, Instagram Reels… thúc đẩy xu hướng sáng tạo những video ngắn, bắt “trends” nhanh chóng thông qua diễn xuất, hình ảnh và âm thanh. Loại hình quảng bá này khuyến khích nội dung do người dùng tạo và giúp phát triển mạnh hoạt động co-creation – thương hiệu đồng sáng tạo với khách hàng.
- Theo Nexttv, 83% người xem video không tiếng, và 50% người thấy việc hiển thị phụ đề là rất quan trọng. Những lý do khiến họ xem video mà không có âm thanh bao gồm việc họ đang ở trong không gian yên tĩnh, không có tai nghe, đang xếp hàng chờ hoặc đang làm việc đa nhiệm.
- Bổ sung thêm phụ đề giúp tăng hiệu quả quảng cáo tiếp thị, góp phần tăng 8% số người ghi nhớ quảng cáo và tăng 13% liên kết thương hiệu. Các nhà tiếp thị nên sử dụng phụ đề một cách chiến thuật để cải thiện khả năng ghi nhớ quảng cáo, liên kết thương hiệu và truyền đạt thông tin khi âm thanh bị tắt. Lưu ý chọn các định dạng và vị trí xây dựng thương hiệu phù hợp để tránh quảng cáo có quá nhiều yếu tố không tập trung.
Tiếp thị truyền thông xã hội:
- 54% người dùng trực tuyến nghiên cứu sản phẩm thông qua các nền tảng mạng xã hội. Sự chuyển dịch từ sử dụng công cụ tìm kiếm như Google để nghiên cứu sản phẩm, thương hiệu sang mạng xã hội đòi hỏi Marketer quan tâm hơn trong việc phủ sóng nội dung và quản lý truyền thông trên các nền tảng lớn như Facebook, Instagram…
- Dạng bài đăng mua sắm (Facebook Pay, Instagram Shop…) – Shoppable posts nhận được hơn 130 triệu người dùng tương tác mỗi tháng. Đối với các doanh nghiệp, Shoppable posts là một cách tốt nhất để giới thiệu sản phẩm toàn diện và thúc đẩy doanh số bán hàng nhiều hơn.
- Một bài đăng trên Instagram có ít nhất một thẻ hashtag sẽ tăng trung bình 12.6% tương tác so với những bài đăng không có thẻ. Hashtags được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho thuật toán Instagram để nó có thể phân loại nội dung của bạn và đề xuất nội dung đó cho người dùng mà thuật toán cho rằng sẽ có sự quan tâm cao.
- 3 lợi ích lớn nhất của thương hiệu sở hữu cộng đồng trực tuyến trên mạng xã hội: Đạt 67% khách hàng trung thành; Giảm đến 48% ngân sách truyền thông; Hỗ trợ 47% nhận diện thương hiệu.
- Số người đăng nhập vào TikTok mỗi ngày đã tăng 54%, với việc “đăng/chia sẻ video” trở thành một trong những hoạt động trực tuyến phát triển nhanh chóng nhất trên toàn thế giới.
- 70% nội dung người tiêu dùng xem trên Youtube được đề xuất bởi thuật toán. Do đó, Marketers có thể nghiên cứu cách phân phối của các bài viết tốt để tận dụng thuật toán để tăng độ hiển thị nội dung video của thương hiệu mà không cần nhiều nỗ lực kỹ thuật.
- Trên Youtube, số người đăng ký và tương tác với nội dung do influencers đã tăng 70% hàng ngày, hàng năm. Với xu hướng xem video tăng cao, tiếp thị nội dung trên Youtube sẽ nhân rộng nhận diện thương hiệu và tăng cơ hội để thương hiệu sáng tạo nội dung.
Influencers Marketing:
- Ngành Influencers Marketing dự kiến sẽ đạt 13,8 tỷ đô la USD vào năm 2022. Trong các năm vừa qua, ngành đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh và là một thị trường thu hút đầu tư. Xu hướng này đòi hỏi các nhà tiếp thị cần nắm bắt nhanh và phân tích mở rộng các chiến dịch quảng bá cùng các influencers một cách nổi bật và hiệu quả nhất.
- 48% người sử dụng mạng xã hội mong muốn thương hiệu và các influencers (người có tầm ảnh hưởng) trở nên “thật” hơn – Theo GWI
- Các thương hiệu sang trọng, cao cấp đang có xu hướng sử dụng “những người có ảnh hưởng thực sự” (genuinfluencers), những người quan tâm đến việc chia sẻ lời khuyên và thông tin hơn là bán sản phẩm. Thương hiệu đầu tư mạnh tay vào genuinfluencers là: MAC (85.2%), Fenty (85.6%), Lancome (92.9%) và Chanel (95.9%).
- 83% influencers mong muốn được thể hiện sức sáng tạo và tính cá nhân nhiều hơn khi làm việc với các thương hiệu nhằm tăng tính chân thực và bản sắc thương hiệu.
Webinars:
- 61% tổ chức sẽ thay thế các sự kiện offline bằng hội thảo trực tuyến, webinar. Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng webinar làm giải pháp ứng phó để tiếp tục tổ chức các sự kiện. Tuy nhiên, lợi ích webinar mang lại khiến cho các thương hiệu muốn tiếp tục sử dụng webinar dài lâu với mục đích phủ sóng thương hiệu và gắn kết mạnh mẽ với khán giả khắp thế giới.
- 58% các nhà tiếp thị B2B sử dụng webinar marketing làm một trong những chiến lược tiếp thị hiệu quả. Đa số các webinar đều xây trên nội dung chuyên nghiệp, truyền tải nhiều kiến thức chuyên môn. Điều này sẽ giúp thương hiệu bạn tạo dấu ấn tốt với các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng.
- 44% người tham dự mong muốn webinar kéo dài từ 30 đến 45 phút. Nội dung webinar bao gồm nhiều thông tin giàu chất xám và cần diễn đạt tường tận. Người tham dự muốn tận dụng nhiều thời gian nhất có thể để thu nhập kiến thức và tương tác với diễn giả.
- 92% người tham dự muốn có một phiên hỏi đáp trực tiếp trước khi webinar kết thúc. Họ có nhu cầu giải đáp vấn đề và Marketer có thể tận dụng điều này để gia tăng tương tác, kết nối với những vị khách hàng tiềm năng.
Xu hướng Game Marketing (Quảng bá thông qua trò chơi điện tử):
- Theo nghiên cứu của GWI trò chơi điện tử đang trở nên phổ biến hơn với Gen Z với 54% người quan tâm, trong đó âm nhạc vẫn được yêu thích hàng đầu với 60% người thích, 57% người thích phim, điện ảnh và 42% người thích xem TV.
- 73% các game thủ hài lòng với mô hình trò chơi dựa trên quảng cáo ngày nay. Họ hiểu rằng việc có quảng cáo trong game là một phần trao đổi cho các dạng game hoặc phần thưởng miễn phí. Quảng cáo trong trò chơi – In-game advertising là một chiến lược tăng trưởng doanh thu hiệu quả, giúp thương hiệu tương tác với khách hàng.
- 71% game thủ cho biết xem quảng cáo trong game là cách ưa thích của họ để “nhận thưởng” hoặc “trả tiền” cho nội dung trong trò chơi. Marketers có cơ hội đem đến trải nghiệm thương hiệu tốt nhất cho người dùng. Ví dụ: bạn có thể cung cấp cho gamer phần thưởng miễn phí như tiền xu để đổi lấy việc xem hoặc tương tác với quảng cáo trong trò chơi.
- Có hơn 46% game thủ là nữ trên các nền tảng như PC, Console… Trong khi người chơi di động có đến 51% là nữ và 49% là nam. Sự đa dạng giới tính của các game thủ là cơ hội cho các Marketers phát triển In-game Advertising.
IV. Tích hợp Marketing với các loại hình công nghệ khác
Đây sẽ là các loại hình công nghệ đầy hứa hẹn không chỉ để các Marketers tiếp thị trong năm 2022 mà sẽ là loại hình quảng bá phổ biến trong tương lai. Thương hiệu, Marketers và người dùng sẽ chú trọng sử dụng các công nghệ này để được đáp ứng nhu cầu nhanh chóng và hiệu quả!
Xu hướng AI Marketing (Tiếp thị trí tuệ nhân tạo):
- McKinsey Global Institute ước tính tác động của AI trong Marketing & Sales của tất cả các ngành là từ 1,4 nghìn tỷ USD đến 2,6 nghìn tỷ USD.
- 48% doanh nghiệp sử dụng học sâu (deep learning), học máy (machine learning), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) và phân tích dữ liệu để sử dụng dữ liệu lớn (big data) một cách hiệu quả.
- 71% khách hàng mong đợi các thương hiệu giải quyết nhanh chóng vấn đề của họ. Điều này giải thích cho sự phổ biến ngày càng tăng của việc sử AI Marketing để tương tác với người tiêu dùng và khách hàng tiềm năng. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp thị sẽ cải thiện đáng kể dịch vụ khách hàng, gia tăng lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng.
- 61% nhà tiếp thị nói rằng AI là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược dữ liệu. Chiến thuật này sẽ là cách tốt nhất để doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn dài hạn và tối ưu việc tiếp thị khách hàng trên nền tảng số thành công.
Xu hướng Trợ lý ảo – Virtual Assistant:
- Thị trường chatbot toàn cầu dự kiến có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 24.9% từ năm 2021 – 2028.
- Chatbot giúp giải quyết hiệu quả vấn đề cho 87% khách hàng.
- 30% người tiêu dùng và 68% doanh nghiệp muốn sử dụng trợ lý ảo (Google Home, Alexa…) để tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp. Loại hình trợ lý ảo này đã và đang rất phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Sản phẩm dịch vụ đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, giúp thương hiệu tương tác tốt hơn.
- Tìm kiếm bằng giọng nói dự kiến sẽ là kênh trị giá 40 tỷ USD vào năm 2022.
Xu hướng VR/AR Marketing:
- Ngành công nghiệp Game toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 12% trong giai đoạn 2020-2025.
- 35% Marketer tích hợp AR/VR trong các chiến lược tiếp thị. Trong đó, 42% người có kế hoạch tăng vốn đầu tư sản phẩm dịch vụ này vào năm 2022.
- Thị trường AR sẽ vượt môc 50 tỷ USD vào năm 2024, được áp dụng phần lớn trong các ngành bán lẻ, ô tô, y tế và các ngành khác nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
- 63% người mua sắm trực tuyến khẳng định AR cải thiện trải nghiệm mua sắm của họ. VR/AR cho thấy tiềm năng khai thác ở mảng thương mại điện tử, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa và thúc đẩy doanh số bán hàng trên các trang web.
Trên đây là tổng hợp 50+ Chỉ số Xu hướng Marketing cần biết năm 2022. Mong rằng thông qua đây bạn có thêm những định hướng phù hợp cho doanh nghiệp của mình để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đăng ký để nhận những nội dung hay nhất, mới nhất về xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp từ Sao Kim Branding
Về Sao Kim Branding:
Sao Kim Branding là Agency có hơn 15 năm kinh nghiệm cung cấp giải pháp toàn diện từ nghiên cứu, tư vấn chiến lược, thiết kế hệ thống nhận diện đến truyền thông thương hiệu và quản trị thương hiệu. Chúng tôi đã đồng hành cùng 10000+ khách hàng trong đó có hơn 100+ doanh nghiệp TOP VNR500.
Đọc thêm bài viết hay:
- Xu hướng xây dựng thương hiệu
- Nhận thức thương hiệu là gì?
- Quản trị thương hiệu
- Email Marketing hiệu quả (hướng dẫn dành cho nhà quản lý)
Follow các bài viết chất lượng của Sao Kim tại:
Blog Sao Kim, Cẩm Nang Sao Kim
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding