La bàn thương hiệu (Brand Compass) là một công cụ vô giá để định hướng chiến lược cho doanh nghiệp, kim chỉ nam cho mọi hành động trong xây dựng thương hiệu và phát trienr kinh doanh.
La bàn thương hiệu đóng vai trò quan trọng đối với sự liên kết thương hiệu cả bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm 5 thành phần cơ bản. Chúng lồng ghép các thông điệp: lý do tổ chức của bạn tồn tại, nơi bạn đang hướng tới, cách thức bạn đạt được mục tiêu và những dấu mốc bạn đạt được trong suốt hành trình.
Sau đây, hãy cùng xem xét ý nghĩa của la bàn thương hiệu và lý do tại sao doanh nghiệp cần có nó. Chúng ta cũng sẽ đi sâu vào năm thành phần của la bàn thương hiệu để lý giải tại sao chúng lại quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp.
1. La bàn thương hiệu là gì?
La bàn thương hiệu (Brand Compass) là một hệ thống chiến lược về thông điệp của thương hiệu. Chúng kết hợp năm thành phần cốt lõi đằng sau việc định vị thương hiệu và văn hóa công ty:
- Purpose: Mục đích thương hiệu
- Vision: Tầm nhìn
- Mission: Sứ mệnh
- Values: Giá trị
- Objectives: Mục tiêu chiến lược
La bàn thương hiệu thường là kết quả của quá trình định vị thương hiệu, được xây dựng bởi các dữ liệu đến từ việc nghiên cứu thương hiệu.
2. Tại sao doanh nghiệp của bạn cần la bàn thương hiệu?
La bàn thương hiệu đóng vai trò là nền tảng cho các sáng kiến xây dựng thương hiệu thành công, đảm bảo sự nhất quán của tất cả các thông điệp trên tất cả các điểm chạm – nơi xảy ra hoạt động tương tác với khách hàng. Mỗi thành phần của nó đại diện cho một phần cốt lõi trong thương hiệu của bạn.
Hãy coi la bàn thương hiệu như một công cụ để tập trung vào việc lập kế hoạch kinh doanh và ra những quyết định quan trọng, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn hoặc trong giai đoạn tăng trưởng cao.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang đứng giữa một cuộc suy thoái hay đại dịch toàn cầu và bạn cần tìm ra những con đường mới để tạo ra doanh thu cho công ty.
Trước khi bạn cho ra mắt một sản phẩm hay dịch vụ mới, điều quan trọng là bạn phải tham khảo la bàn thương hiệu để xem liệu rằng sự bổ sung này có phù hợp với sự phát triển của thương hiệu mà bạn xây dựng hay không.
Nếu không, bạn nên suy nghĩ thật kỹ về lý do bạn muốn thêm những dịch vụ này và ý nghĩa của chúng đối với sự toàn vẹn của thương hiệu.
La bàn thương hiệu sẽ định hướng cho bạn tất cả mọi thứ, từ việc khởi chạy chiến dịch tiếp thị mới đến việc tiếp nhận các đối tác chiến lược và ngay cả trong việc tuyển dụng nhân viên.
Tất cả nhân sự nội bộ như ban lãnh đạo, thành viên hội đồng quản trị hay nhân viên đều nên có hiểu rõ la bàn thương hiệu của doanh nghiệp, đặc biệt là những người được giao nhiệm vụ tạo thông điệp thương hiệu hoặc định hình các trải nghiệm thương hiệu (thường là bộ phận tiếp thị và truyền thông).
Đọc thêm:
- Trải nghiệm thương hiệu
- Trải nghiệm khách hàng
- Thông điệp thương hiệu
- Kế hoạch truyền thông
Có thể thấy, la bàn thương hiệu là một công cụ quan trọng để gắn kết thương hiệu nội bộ, cụ thể là đảm bảo rằng nhân viên của bạn có sự am hiểu rõ ràng về thương hiệu để có thể cung cấp cho khách hàng của bạn sự trải nghiệm thương hiệu hiệu quả.
3. 5 Thành phần của la bàn thương hiệu
Bạn bắt buộc phải hiểu rõ ý nghĩa của từng thành phần và xác định rõ ràng chúng, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với mọi hoạt động xây dựng thương hiệu về sau. Hãy cùng xác định kỹ hơn về 5 thành phần không thể thiếu của la bàn thương hiệu.
Xác định mục đích thương hiệu
Mục đích là lý do công ty của bạn tồn tại ngoài việc tạo ra lợi nhuận. Nó là trung tâm của la bàn thương hiệu và trả lời cho câu hỏi cốt lõi mà bạn phải đối mặt: Tại sao thương hiệu này được thành lập?
Mục đích thương hiệu của bạn phải năng động và mang theo động lực. Nó phải kết nối đồng thời cả cảm xúc cũng như lý trí. Mục đích của bạn phải bao gồm sự tác động của thương hiệu đối với những người sử dụng dịch vụ – họ là khách hàng, sinh viên, bệnh nhân hoặc cộng đồng nói chung.
Các câu hỏi cần đặt ra khi xác định mục đích thương hiệu của bạn:
- Ngoài việc kiếm tiền, tại sao chúng ta làm công việc này?
- Chúng ta coi trọng nhất điều gì?
- Chúng ta đam mê điều gì nhất?
- Điều gì thúc đẩy chúng ta xây dựng thương hiệu này?
- Chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu nào của thế giới?
Các ví dụ về xác định mục đích:
- TED: Để truyền bá những ý tưởng.
- Disney: Để làm cho mọi người hạnh phúc.
- Smithsonian: Để gia tăng và phổ biến kiến thức.
- The Nature Conservancy: Để trao cho thế hệ tương lai một thế giới bền vững.
- Nike: Để mang lại cảm hứng và sự đổi mới cho mọi vận động viên trên thế giới.
Xác định tầm nhìn chiến lược
Tầm nhìn chiến lược của bạn mô tả trạng thái cuối cùng mà thương hiệu của bạn hướng tới. Đó là thế giới lý tưởng mà thương hiệu của bạn hy vọng có thể mang lại. Tầm nhìn của bạn phải thật cao cả hay thậm chí là táo bạo.
Đối với các tổ chức phi lợi nhuận, tầm nhìn chiến lược thường mô tả một thế giới mà các dịch vụ họ mang lại không còn cần thiết nữa.
Nếu Oxfam có thể đạt được tầm nhìn của họ về “một thế giới công bằng không có đói nghèo”, thì họ sẽ ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, thế giới đó chỉ tồn tại trong ý tưởng.
Hãy coi tầm nhìn của bạn như một câu chuyện đầy cảm hứng mà lãnh đạo của thương hiệu sẽ kể để kêu gọi, tập hợp mọi người cùng nhau hành động.
Nó phải thật đơn giản và rõ ràng, tránh những ngôn ngữ phức tạp và các từ thông dụng. Đó phải là một câu chuyện mà bất kỳ ai liên quan đến thương hiệu đều có thể dễ dàng giải thích.
Những câu hỏi cần đặt ra khi thiết lập tầm nhìn cho tầm nhìn chiến lược:
- Chúng ta hy vọng sẽ mang đến những sự thay đổi như thế nào cho thế giới?
- Tổ chức của chúng ta phục vụ ai?
- Chúng ta đang tìm cách giải quyết vấn đề gì?
- Trạng thái cuối cùng mà chúng ta mong muốn là gì?
- Thế nào là đạt được thành công?
Một số ví dụ về tầm nhìn chiến lược:
- Oxfam: Một thế giới công bằng không có đói nghèo.
- IKEA: Tạo ra một cuộc sống hàng ngày tốt đẹp hơn cho mọi người.
- Viettel: Trở thành một doanh nghiệp kinh doanh sáng tạo vì con người
- Microsoft: Giúp mọi người và các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát huy hết tiềm năng của mình
- Sao Kim Branding: Trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững với môi trường làm việc chuyên nghiệp – năng động – nhân văn. Dẫn đầu trong các lĩnh vực tham gia bằng hiệu quả hoạt động.
Xác định sứ mệnh thương hiệu
Sứ mệnh thương hiệu là một phần quan trọng khác của la bàn thương hiệu. Hãy coi đó là lộ trình cho thương hiệu của bạn.
Nếu như tầm nhìn trả lời cây hỏi WHERE, sứ mệnh trả lời câu hỏi HOW.
Bằng cách mô tả những gì bạn sẽ làm, cách thức thực hiện, đối tượng bạn hướng tới và tại sao bạn làm điều đó, thực hiện tốt sứ mệnh thương hiệu có thể giúp bạn đạt được tầm nhìn vào một thời điểm cụ thể nào đó.
Sứ mệnh của thương hiệu phải là sự khẳng định chắc chắn về kế hoạch cũng như củng cố niềm tin vào chuyên môn của thương hiệu. Nó xác định loại sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp và mức chất lượng bạn cam kết.
Các câu hỏi cần đặt ra khi xây dựng sứ mệnh thương hiệu:
- Chúng ta làm gì?
- Chúng ta làm điều đó như thế nào?
- Chúng ta làm điều đó cho ai?
- Tại sao chúng ta làm điều đó?
Một số ví dụ về sứ mệnh thương hiệu:
- Samsung: Hỗ trợ mọi người trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình
- Tesla: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững
- Unilever: Biến cuộc sống bền vững trở nên phổ biến
- Sao Kim Branding: Sao Kim giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh bằng việc xây dựng thương hiệu mạnh.
Đọc thêm: Cách xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh (Quy trình + Công thức tổng quát)
Xác định giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi của thương hiệu là nguyên tắc hình thành nên văn hóa của một công ty. Họ phác thảo những yếu tố quan trọng nhất đối với tổ chức của bạn – xét từ góc độ luân lý, đạo đức và triết học.
Tổ chức của bạn cần phải có sự đồng thuận về những điều quan trọng nhất – không chỉ đối với đối với lãnh đạo và nhân viên mà còn đối với khách hàng. Việc điều chỉnh các giá trị cốt lõi của bạn và của những người sử dụng dịch vụ luôn giữ vai trò quyết định.
Sự tin tưởng giữa đôi bên là điều quan trọng trong việc gìn giữ mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng. Khách hàng sẽ tin tưởng một thương hiệu biết chia sẻ giá trị. Đó là lý do tại sao giá trị cốt lõi là một phần không thể thiếu của la bàn thương hiệu.
Các câu hỏi cần đặt ra khi xây dựng các giá trị cốt lõi của bạn:
- Chúng ta đại diện cho điều gì?
- Điều gì khiến chúng ta tự hào nhất?
- Những nguyên tắc nào chúng ta không thể thay đổi?
- Điều gì quan trọng nhất đối với khách hàng?
- Chúng ta muốn được người khác nhìn nhận như thế nào?
Ví dụ giá trị cốt lõi của Sao Kim Branding:
- Tận tâm: Đối xử với người khác như các bạn muốn người khác đối xử với mình
- Sáng tạo: Luôn tìm cách mới để làm tốt hơn, có lợi hơn
- Hợp tác: Tinh thần phối hợp cùng làm việc để đạt mục tiêu chung
- Cam kết: Nói đi đôi với làm, hứa như nào thì thực hiện như vậy
- Hiệu quả: Làm việc hướng mục tiêu và tạo ra các kết quả tích cực
- Đam mê: Tạo ra niềm vui và ý nghĩa trong công việc
Xác định mục tiêu chiến lược
Mục tiêu chiến lược là mục tiêu thương hiệu muốn đạt được trong kinh doanh xét theo góc độ vật chất. Bằng cách phác họa các cột mốc cụ thể mà bạn dự định đạt được, chúng khiến cho mục đích, tầm nhìn và sứ mệnh của bạn trở nên cao cấp và có ý nghĩa hơn.
Các mục tiêu chiến lược phải mang đầy tham vọng và giúp cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của bạn đi đúng hướng, từ đó dẫn tới thành công. Chúng thường có dạng một tuyên bố nội bộ bao hàm kế hoạch chiến lược của bạn, hoặc cũng có thể là một danh sách đơn giản về các mục tiêu cụ thể. .
Các câu hỏi cần đặt ra khi xây dựng mục tiêu chiến lược:
- Biểu hiện cụ thể cho tầm nhìn và sứ mệnh của chúng ta là gì?
- Làm thế nào để biết rằng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ?
- Chúng ta cần phải đạt được những cột mốc nào trong suốt quãng đường?
- Cách tạo nên chiến lược tốt nhất cho các cột mốc này là gì?
- Tất cả các mục tiêu của chúng ta có phù hợp không?
Các ví dụ về mục tiêu chiến lược:
- Phát triển khả năng lãnh đạo và tiềm năng của đội ngũ nhân viên.
- Thúc đẩy sự lãnh đạo tư tưởng thông qua cam kết giáo dục.
- Tăng hiệu quả công việc bằng cách sử dụng công nghệ đám mây.
- Doanh thu đạt 10 triệu đô la trong 3 năm tới.
Thiết lập la bàn thương hiệu ngay hôm nay!
Điều quan trọng cần nhớ là la bàn thương hiệu không mang mục đích đại diện cho toàn bộ định vị thương hiệu của bạn. Để định vị và tạo nên bản sắc thương hiệu riêng, bạn cần thêm các yếu tố khác như tính cách thương hiệu, lời hứa thương hiệu, chiến lược khác biệt hóa và hơn thế nữa.
Những gì mà la bàn thương hiệu thể hiện chính là những nguyên lý cốt lõi của thương hiệu. Và nếu bạn đang áp dụng những nguyên tắc cơ bản này làm kim chỉ nam cho mình, chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn đang được vạch ra một lộ trình hướng tới thành công thực sự và lâu dài.
Nếu doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp từ đầu, hãy liên hệ với Sao Kim, chúng tôi rất hân hạnh khi được đồng hành cùng bạn.
Follow các bài viết chất lượng của Sao Kim tại:
Blog Sao Kim, Cẩm Nang Sao Kim
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding
#SaoKim #SaoKimBranding #BrandCompass #LaBanThuongHieu