Đến một thời điểm, doanh nghiệp cần thay đổi logo, làm mới thương hiệu để tiếp tục cung cấp năng lượng cho quá trình xây dựng thương hiệu, truyền tải thông điệp mới và nhắm đến công chúng mục tiêu mới…
Tuy nhiên, để thay đổi logo không hề dễ dàng, đặc biệt là khi công chúng mục tiêu đã quen thuộc với logo cũ. Vì thế, để biết làm thế nào để thay đổi logo hiệu quả, hãy cùng Sao Kim tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
1. Thay đổi logo là gì?
Thay đổi Logo là việc thương hiệu thiết kế logo mới (một phần hoặc toàn bộ) để thay thế logo cũ.
Thay đổi logo có thể là hoạt động riêng lẻ nhưng thường nằm trong công cuộc làm mới thương hiệu, thay đổi nhận diện, tái định vị hay mở rộng thương hiệu của doanh nghiệp.
NOTE: Tái định vị, mở rộng là một câu chuyện lớn hơn, khi đó doanh nghiệp thường thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu, vấn đề này tôi xin phép được chia sẻ vào một bài khác. Bài này tôi sẽ tập trung vào vấn đề trong việc thay đổi logo.
2. Quy trình thay đổi logo hiệu quả
Thay đổi logo cần thận trọng, đặc biệt là đối với thương hiệu lớn. Vì thế, để hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả thì bạn cần áp dụng chặt chẽ quy trình thay đổi logo.
Tốt nhất, việc thay đổi logo nên được thực hiện chung với hoạt động tổng thể (thay đổi nhận diện hay tái định vị). Nhưng cũng có trường hợp chỉ muốn thay đổi logo, vậy nên đây là 7 bước thực hiện thay đổi logo hiệu quả:
Bước #1: Nghiên cứu, kiểm toán thương hiệu
Trước khi đổi logo, bạn nên thực hiện nghiên cứu và kiểm toán thương hiệu. Điều quan trọng cần nhớ là Logo không chỉ đơn giản là một biểu tượng đồ họa đẹp.
Bước nghiên cứu, kiểm toán thương hiệu này cần được thực hiện định kỳ để quyết định xem có nên thay đổi logo hay không hoặc nếu thay đổi thì định hướng thay đổi như thế nào.
- Khách hàng hiện tại của bạn là ai và họ muốn gì?
- Nhận thức thương hiệu bạn đã xây dựng được là gì?
- Nội dung thương hiệu hiện tại của bạn là gì?
- Logo của bạn hiện đang được sử dụng ở đâu và như thế nào?
- Phong cách, định dạng và màu sắc hiện tại của logo của bạn là gì?
- Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai và thương hiệu, logo của họ là gì?
Bạn cũng cần làm việc với khách hàng mục tiêu của bạn.
Về cơ bản, khách hàng của bạn là động lực thúc đẩy thương hiệu của bạn và bạn nên lắng nghe những gì họ muốn.
Tập trung một nhóm khách hàng lại (cả khách hàng nội bộ) và nhận những suy nghĩ và phản hồi của họ về thương hiệu. Bằng cách trao quyền cho khách hàng và những người có ảnh hưởng và đưa họ vào quá trình sáng tạo, bạn sẽ tìm ra chiến lược và chiến thuật thay đổi logo đúng đắn.
Bạn nên giữ liên hệ với nhóm khách hàng này trong quá trình thay đổi logo, hỏi ý kiến của họ và đưa cho họ những ví dụ để họ lựa chọn là một cách hay để tìm ra giải pháp đúng.
Đọc thêm:
- Nghiên cứu thương hiệu
- Xác định thị trường mục tiêu
- Nghiên cứu khách hàng
- Phỏng vấn khác hàng
- Chiến lược thương hiệu là gì?
- Quy trình xây dựng chiến lược thương hiệu
- Nhận thức thương hiệu
- Quản trị thương hiệu
Bước #2: Lên kế hoạch thay đổi logo
Khi bạn đã thực hiện nghiên cứu kỹ càng thương hiệu của mình, bạn nên tạo một kế hoạch, lịch biểu cho hoạt động thay đổi logo để theo dõi, tiến hành hiệu quả.
Trước khi đổi logo, bạn nên có ý tưởng rõ ràng về các vấn đề sau:
- Tiến trình thay đổi logo: Đặt thời hạn ra mắt và sắp xếp công việc ngược lại từ đó. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo mọi thứ sẵn sàng
- Ngân sách để thực hiện: Hãy chắc chắn bạn đã xem xét tất cả các chi phí liên quan cho dự án thay đổi logo.
- Các mục tiêu đằng sau thương hiệu của bạn
- Bất kỳ thay đổi nào trong định vị thị trường: Nếu trong quá trình nghiên cứu, kiểm tra thương hiệu, bạn nhận thấy mình đang nhắm mục tiêu đến một đối tượng khác, bạn phải đảm bảo rằng logo mới sẽ thu hút họ.
Bước #3: Xây dựng ý tưởng logo mới
Bạn đã có 3 bước trên để làm nền tảng cho logo mới, bây giờ, dựa vào chúng để xây dựng ý tưởng thiết kế logo, suy nghĩ về tất cả các hướng thiết kế có thể có để thúc đẩy sự sáng tạo đi đúng hướng.
Tìm kiếm phông chữ, màu sắc, phong cách,… và xem xét tất cả các khía cạnh của ngôn ngữ thị giác sẽ thể hiện chiến lược thương hiệu mới.
Liệt kê ra các ý tưởng rồi thảo luận về những giải pháp khả thi. Sau đó tiếp tục đưa ra một số quyết định về hướng thiết kế.
Bằng phương pháp liệt kê và quy nạp, hãy thu hẹp các ý tưởng theo cách khách quan nhất dựa trên sự hiểu biết chiến lược vững chắc.
Bước #4: Phác thảo ý tưởng
Phác thảo logo là nơi phát huy sức sáng tạo, nhưng vì bạn đã có bản nghiên cứu, lên ý tưởng rõ ràng nên bạn có thể đánh giá bản phác thảo của mình dựa trên các tiêu chí đã xác định rõ ràng.
Một số nhà thiết kế sử dụng bắt đầu ngay trên máy tính, nhưng hầu hết các nhà thiết kế logo chuyên nghiệp đều phác thảo logo trên giấy trước.
Cách này có lợi gì?
Phác thảo trên giấy giúp bạn minh họa ý tưởng ngay lập tức, tránh sa đà vào chi tiết và tôi tin rằng các nhà thiết kế logo chuyên nghiệp nên nên bắt đầu theo cách này.
Quá trình này có thể tốn nhiều thời gian vì bạn cần số lượng bản phác thảo lớn để minh họa các ý tưởng bạn có để trong bước tiếp theo, bạn có thể chọn một vài ý tưởng mạnh và thiết kế chỉn chu trên máy tính.
Bước #5: Thiết kế logo hoàn chỉnh (trên phần mềm)
Khi bạn đã tạo ra rất nhiều bản phác thảo logo, bạn có thể đánh giá chúng theo bản chiến lược và chọn ra những bản phác thảo hứa hẹn nhất để tiến hành thiết kế kỹ thuật số (trên phần mềm thiết kế chuyên nghiệp).
Nên nhớ là đừng thiết kế tất cả, hãy đánh giá bản phác thảo và lựa chọn phương án tốt để thiết kế hoàn thiện.
Nếu bạn nhận ra tất cả các phương án đều yếu thì bạn có thể quay đi quay lại giữa phác thảo và thiết kế cho đến khi bạn có được một số logo thú vị.
Bước này chỉ đơn giản là thiết kế lại bản phác thảo logo để đạt được tính thẩm mỹ tốt nhất.
Ngoài ra, chọn một số ứng dụng phù hợp: Danh thiếp, website, icon ứng dụng để thử nghiệm logo trông như thế nào trong thực tế.
Bước #6: Trình bày, thử nghiệm
Khi bạn đã hoàn thành việc thiết kế logo hoàn chỉnh, thì bạn cần trình bày chúng cho các nhà quản lý, ban lãnh đạo.
Thậm chí, bạn có thể trình bày cho nhóm khách hàng mục tiêu để nhận phản hồi.
Cố gắng thỏa mãn cả mong muốn bên trong doanh nghiệp và khách hàng mục tiêu.
Hãy nhớ chỉ chia sẻ những giải pháp có thể đem lại hiệu quả — và cần phải trình bày tốt phiên bản logo bạn tự hào.
Và một lần nữa, cũng như các bước khác trong quy trình thiết kế logo, bạn có thể cần phải quay đi quay lại giữa việc thiết kế logo, thử nghiệm và trình bày nó trên các ứng dụng cho đến khi bạn tìm được giải pháp tốt nhất.
Bước #7: Logo Guideline
Và khi bạn đã tìm ra phiên bản logo tốt nhất, đã đến lúc tạo bản hướng dẫn sử dụng logo.
Tạo ra hướng dẫn kiểu sẽ hiển thị tất cả các biến thể của logo và cách sử dụng chúng (như không gian an toàn, vị trí trên nền tối so với nền sáng, v.v.).
Kèm theo logo âm bản, dương bản … nói chung, hãy đảm bảo bao gồm các biến thể cơ bản của logo, chẳng hạn như đủ màu, đen, trắng và đơn sắc.
Note: Nếu bạn thay đổi cả nhận diện thương hiệu, bạn sẽ cần tạo brand guideline (Đọc thêm Brand Guideline là gì?)
Bạn đã có logo, làm gì tiếp theo?
Khi đã có logo, bạn có thể tiếp tục thực hiện:
- Đăng ký bản quyền logo, đăng ký nhãn hiệu để đảm bảo mọi thứ hợp pháp
- Tạo kế hoạch thông báo sự thay đổi logo
- Tạo chiến dịch truyền thông để xây dựng nhận thức về logo mới
- Thay đổi bộ nhận diện thương hiệu (đồng bộ, nhất quán)
- …
Có rất nhiều công việc tiếp theo bạn cần thực hiện sau khi đã có logo mới, nhưng tôi xin chia sẻ chi tiết hơn ở một bài khác.
> Tham khảo ngay: Dịch vụ thiết kế Logo thương hiệu chuyên nghiệp của Sao Kim để tiến hành thay đổi, làm mới logo đạt hiệu quả.
3. Bài học kinh nghiệm thay đổi logo
Logo là một thành phần quan trọng nhất của thương hiệu, thay đổi logo mang lại cơ hội mới nhưng song hành với đó là rủi ro. Vì thế, doanh nghiệp muốn thay đổi logo cần thực hiện cẩn thận, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các thương hiệu đi trước để có giải pháp tối ưu cho mình.
3.1. Viettel thay đổi logo
Viettel đã thực hiện tái định vị, trong đó có thay đổi logo, nhận diện thương hiệu của họ sang thiết kế mới vào đầu năm 2021.
Là thương hiệu hàng đầu ở Việt Nam, như trong nhận thức của mỗi người thì Viettel là công ty viễn thông. Đây cũng là mục tiêu xây dựng thương hiệu của Viettel trước đây.
Và họ đã thành công.
Tuy nhiên, hiện tại Viettel đã quá lớn, họ tham gia ở rất nhiều lĩnh vực nên đã quyết định tái định vị, thay đổi nhận diện của cả tập đoàn.
Trong đó, thay đổi logo là điểm được cộng đồng chú ý nhất.
Viettel đã đơn giản hóa logo cũ, tập trung vào tên thương hiệu viettel và thay đổi màu nhận diện thành màu đỏ – thể hiện ý nghĩa của sự trẻ trung, khát khao, đam mê và năng động.
Viettel cũng chia sẻ rằng màu đỏ được lựa chọn vì đây là màu cờ Tổ quốc, của niềm tự hào dân tộc, sự mạnh mẽ và bản lĩnh tiên phong của thương hiệu Viettel.
Biểu tượng của Viettel lựa chọn cũng thể hiện rất rõ thương hiệu, nhìn vào biểu tượng này có thể liên tưởng ngay đến chữ “tel” và gợi nhớ về lĩnh vực cốt lõi (viễn thông).
Ngoài ra, logo mới này được đánh giá là hỗ trợ tốt hơn, khi Viettel áp dụng kiểu kiến trúc thương hiệu Branded House
Có thể thấy rằng, Viettel đã nghiên cứu rất kỹ càng về bản chất thương hiệu, kiến trúc thương hiệu của chính họ và mục tiêu họ hướng tới khi thay đổi logo.
Note:
- Nghiên cứu là quá trình quan trọng nhất trong việc thay đổi logo
- Logo mới phục vụ kiến trúc của thương hiệu
- Thiết kế tạo biểu tượng đại diện cho dù đó là kiểu Logo wordmark
- Giữ lại tên thương hiệu
NOTE: Làm mới logo thường đi kèm với hoạt động tái thiết thương hiệu, xây dựng nhận diện thương hiệu tốt hơn.
3.2. MB thay đổi logo
Gần đây, Ngân hàng MB cũng thực hiện tái định vị thương hiệu và thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện nhằm phục vụ việc xây dựng thương hiệu trong thời kỳ mới, tập trung vào chuyển đổi số, công nghệ và đối tượng trẻ hơn.
Với bản chất là ngân hàng quân đội, sự đơn giản, mạnh mẽ được truyền tải qua logo mới và biểu tượng ngôi sao trong tư thế chuyển động thể hiện sự đổi mới của MB, sự linh hoạt, năng động, hướng tới trở thành một ngân hàng thông minh.
Nếu nhìn nhận qua thành tựu tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 là 6,5% so với năm 2019 (khi chưa tái định vị). Chiến dịch tái định vị của MB nhìn chung đem lại kết quả như kỳ vọng.
Tuy nhiên, rõ ràng là phản hồi của công chúng về logo mới của MB không tốt như vậy.
Về cơ bản, cá nhân tôi cho rằng logo mới của MB tốt hơn nhiều so với logo cũ.
Nhưng vấn đề ở đây là, MB đã không đánh giá được kỳ vọng của công chúng mục tiêu của họ. Một phần là do trước đây, MB xây dựng hình ảnh thương hiệu xuất thân từ quân đội là mạnh mẽ, cam kết, chắc chắn.
Vì thế, khi MB thiết kế lại logo mới – chắc chắn công chúng muốn đây là một cú đấm thép, uy lực, khẳng định sức mạnh, xứng tầm với vị thế của họ.
Mặc dù vậy, logo mới của MB phần nào cũng đem lại sự an toàn cho chiến lược tái định vị của họ.
Note:
- Đánh giá đúng sự kỳ vọng của công chúng mục tiêu
- Thiết kế logo đơn giản, nhưng không được đơn giản quá
3.3. MSB thay đổi logo
Năm 2019, Maritime Bank cũng thay đổi diện mạo của mình, với diện mạo mới, logo của Maritime Bank thay đổi hoàn toàn.
Logo mới sử dụng biểu tượng chữ M và tên thương hiệu MSB theo sau.
Trong trường hợp này, tên thương hiệu Maritime Bank với 4 âm tiết được đánh giá là dài, đọc khó nên ban lãnh đạo đã đặt tên thương hiệu mới đơn giản hơn là MSB – dễ đọc, dễ viết và dễ nhớ hơn.
Và theo như chia sẻ của MSB, slogan mới của họ là “Cùng vươn tầm”, vì thế để thể hiện điều này trong logo mới, biểu tượng chữ M được phát triển từ biểu tượng số 1 cũ.
Xem video để hiểu rõ hơn:
MSB (Maritime Bank) thay đổi logo mới
Nhìn chung logo mới của MSB khá ấn tượng, nhưng có 1 điểm cần chú ý đó là logo sử dụng màu chuyển (gradient) và đổ bóng nên các phiên bản đen, trắng (hoặc in màu bệt) sẽ không thể hiện được đầy đủ.
Đặc biệt, khi chất lượng hình ảnh giảm xuống thấp, màu chuyển và vùng đổ bóng sẽ hiện rõ khuyết điểm.
Note:
- Cân nhắc lại tên thương hiệu nếu khó đọc
- Logo cần thể hiện được tinh thần, định hướng của thương hiệu
- Lưu tâm về việc kế thừa và phát triển từ Logo cũ
- Cần lưu ý hơn khi sử dụng đổ bóng và màu chuyển
3.4. VPBank thay đổi logo
Đầu năm 2021, VPBank thay đổi nhận diện thương hiệu mới, trong đó họ thay đổi logo mới với màu xanh tươi sáng hơn, phông chữ thẳng, gọn gàng.
Theo như đại diện VPBank cho biết, đây là sự thay đổi hướng đến phong cách hiện đại hơn, hài hòa hơn tượng trưng cho sự gắn kết con người và công nghệ.
Sự thay đổi này không có nhiều khác biệt, chỉ là sự tinh chỉnh logo.
Có lẽ cũng vì thế mà hoạt động tái định vị của VPBank diễn ra an toàn, nhẹ nhàng, không rầm rộ khi ra mắt.
Đây là một chiến lược thay đổi an toàn được nhiều thương hiệu áp dụng để bắt kịp xu hướng, làm mới thương hiệu, mở rộng trong khi vẫn tận dụng tối đa giá trị đã xây dựng được.
Ví dụ như Apple, họ cũng thay đổi logo rất nhiều lần, nhưng từ 1997 sự thay đổi là rất nhỏ, tinh chỉnh để phù hợp hơn.
Note:
- Tinh chỉnh Logo là việc cần thiết trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu
3.5. BIDV thay đổi logo
Mới đây nhất, tại thời điểm tôi viết bài này, BIDV đã công bố nhận diện thương hiệu mới của họ và thay đổi hoàn toàn logo.
Màu sắc nhận diện cũng được thay đổi sang màu Xanh ngọc lục bảo tượng trưng cho sự sống, trường tồn và phát triển bền vững của BIDV.
Logo cũ có biểu tượng khó hiểu nên với logo mới BIDV đã sửa chữa, sửa dụng biểu tượng hoa mai tạo diện mạo tươi mới, năng động, nhiệt huyết. Màu vàng cũng là màu sắc thể hiện bản sắc nghề tài chính ngân hàng.
Cụm BIDV được tinh chỉnh tinh chỉnh mềm mại và uyển chuyển hơn, trong đó điểm nhấn là chữ V được cách điệu từ góc cánh sao thể hiện sự dịch chuyển, tinh thần đổi mới phát triển trong thời đại số.
Như vậy, có thể thấy rằng BIDV thay đổi logo mới dựa vào các giá trị mà họ muốn truyển tải, hướng tới sự đơn giản, dễ hiểu.
Note:
- Logo liên kết tự nhiên với hoạt động cốt lõi của thương hiệu (không cần quá rõ ràng)
- Thay đổi biểu tượng trong logo trở nên dễ hiểu hơn
- Thêm một chút yếu tố phong thủy
- Logo mềm mại hơn là cần thiết trong thị trường cần sự thay đổi, linh hoạt
> Tham khảo ngay: Dịch vụ thiết kế nhận diện thương hiệu của Sao Kim.
3.6. KIA thay đổi logo
KIA là thương hiệu xe của Hàn Quốc rất nổi tiếng tại Việt Nam, với một số dòng xe khá ấn tượng như Telluride, K5, Seltos, Sorento.
Sản phẩm của KIA chủ yếu thuộc phân khúc hạng A, B, C, B thuộc các dòng xe bình dân. Chính vì vậy, thương hiệu KIA cũng gắn mới nhận thức đó.
Tuy nhiên, bước qua thập kỷ mới, CEO Ho Sung Song đã chia sẻ rằng KIA đang thực hiện “Kế hoạch S” nhằm quảng bá thương hiệu mới, xây dựng nhận thức với trong tâm trí khách hàng.
KIA muốn thương hiệu trở nên “năng động, phong cách và sáng tạo hơn”, lấy xe điện làm trọng tâm. Vì vậy, bên cạnh việc ra mắt các mẫu xe điện hiện đại và thông minh, logo KIA cũng được thay đổi để đáp ứng kế hoạch đó.
Logo mới của KIA sử dụng mà đen (sang trọng và quyền lực) với chữ A cách điệu thể hiện tốc độ và sự thay đổi.
Note:
- Thay đổi logo phù hợp với xu thế phát triển
- Thay đổi logo khi cần tái định vị
- Sử dụng màu sắc như một cách để xây dựng nhận thức thương hiệu
3.7. GM thay đổi logo
GM (General Motors Corporation) cũng gia nhập hàng ngũ thay đổi thương hiệu của họ để mở ra một kỷ nguyên điện và kỹ thuật số mới.
GM thay đổi logo mới phẳng hơn, đẹp hơn và được sắp xếp hợp lý hơn, logo GM viết thường mới được cho là đại diện cho ‘bầu trời trong lành của một tương lai không khí thải’ và ‘năng lượng của nền tảng pin Ultium’.
Chữ “m” trong logo mới được thiết kế rất khéo giống như viên pin – cốt lõi của kỷ nguyên xe điện thông minh.
Note:
- Thay đổi để bắt kịp xu hướng
- Thiết kế gợi nhắc về định hướng của thương hiệu
3.8. Renault thay đổi logo
Logo cũ của Renault có biểu tượng kiểu 3D, giống với biểu tượng gắn trên xe của họ. Tuy nhiên, được thiết kế đã khá lâu và không còn phù hợp trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Thêm nữa, Logo 3D là kiểu logo không được linh hoạt, thiếu tính tiện dụng trong in ấn.
Logo mới của Renault được thiết kế phẳng, thêm chuyển động. Việc sử dụng đường nét đơn giản để tạo chiều sâu mang lại cho logo một sự liên tục, chuyển động tinh tế nhưng hiệu quả.
Note:
- Thiết kế logo phẳng là xu hướng, tiện dụng
- Logo mới kế thừa từ logo cũ
- Thay đổi tinh tế đem lại hiệu quả, an toàn
- Có thể tạo chiều sâu cho logo ngay cả khi nó phẳng
- Tận dụng không gian âm (nếu có thể)
- Không cần phải vứt bỏ mọi thứ khi thiết kế lại logo của mình. Bạn có thể sử dụng thứ hiện có và hồi sinh nó.
3.9. Google thay đổi logo
Nhóm Creative Lab và Material Design đã chịu trách nhiệm cho việc thay đổi logo của Google (đúng hơn là thay đổi nhận diện thương hiệu).
Khi bắt đầu dự án, họ đã vạch ra 4 thách thức muốn giải quyết:
- Logo có thể mở rộng, có thể truyền tải cảm giác của logo đầy đủ trong không gian hạn chế.
- Kết hợp chuyển động thông minh, phản ứng năng động với người dùng ở tất cả các giai đoạn của một tương tác.
- Phương pháp tiếp cận có hệ thống để xây dựng thương hiệu trong các sản phẩm của Google, nhằm mang lại sự nhất quán trong các cuộc gặp gỡ hàng ngày của mọi người với Google.
- Một sự cải tiến về những gì khiến chúng tôi trở thành Google, kết hợp những gì tốt nhất của thương hiệu mà người dùng của chúng tôi biết và yêu thích với sự cân nhắc chu đáo về nhu cầu của họ đang thay đổi như thế nào.
Google nói rằng họ bắt đầu bằng cách chắt lọc bản chất của thương hiệu, tìm ra điểm cốt lõi của nó — bốn màu trên nền trắng — và bắt đầu xây dựng.
Họ đã tạo nên 3 ba trạng thái nguyên tố để hình thành nên một logo duy nhất.
Dự án thay đổi logo Google này có một điểm đặc biệt khiến nó trở thành một sự kiện viral, đó chính là biểu tượng chữ G.
Chữ G trong biểu tượng rút gọn của logo Google không tuân theo phương pháp thiết kế đối xứng hay hình khối hoàn hảo thông thường.
Điều này tạo làn sóng thảo luận vui rằng “đây là thiết kế sai lầm, các nhà thiết kế của Google nên đi học lại”. Tuy nhiên, sự thực được ẩn dấu bên trong.
Ví dụ, đây là bản so sánh nếu thiết kế chữ G tuân theo phương pháp thiết kế đối xứng hoàn hảo.
Rõ ràng, phiên bản thiết kế đối xứng hoàn hảo (bên trái) không tạo được cảm giác thân tiện và dễ tiếp cận như phiên bản bên phải.
Google cũng đã có video giải thích về thiết kế của họ.
Đây là bản thiết kế được tạo ra tối ưu cho hiển thị trực quan, mang lại sự hài hòa, tự nhiên. Không áp dụng máy móc các phương pháp thiết kế (Bạn có thể xem thêm tại Google identity)
Note:
- Xác định rõ mục tiêu, thách thức của dự án từ đầu
- Bắt đầu với bản chất thương hiệu, giá trị cốt lõi
- Thiết kế trực quan, hài hòa, tự nhiên
- Có phiên bản rút gọn để phục vụ cho hiển thị trên không gian hạn chế (VD: icon app, favicon, …)
3.10. Xiaomi thay đổi logo
Xiaomi thay đổi logo cũng là một sự kiện thú vị.
Họ đã trả khoảng 7 tỷ (VNĐ) để có được thiết kế logo mới (hình bên phải).
Bạn thấy sự khác nhau nào khác ngoài việc bo cong viền không?
Vậy mà nó có giá 7 tỷ (VNĐ)?
Nhìn qua nhiều người có thể nghĩ ngay rằng:
“Làm Designer quá dẽ dàng. Tăng border-radius và kiếm về 7 tỷ”.
Tuy nhiên, không có giải pháp dễ như vậy đâu.
Hiện tại, không có phần mềm thiết kế hay ứng dụng nào giúp tạo ra đường cong hoàn hảo như đường cong của logo Xiaomi một cách dễ dàng.
Ví dụ tạo border-radius cho Logo Xiaomi trong photoshop
Ở ví dụ này, tôi đã tăng dần bán kính góc bo của logo cũ (bằng photoshop) nhưng không thể tạo ra được đường cong hoàn hảo như logo mới của Xiaomi.
Giải thích điều này, Kenya Hara (nhà thiết kế đồ họa hàng đầu Nhật Bản) đã nói rằng ông đã sử dụng công thức toán học và điều chỉnh các biến thể để tạo ra sự cân bằng hoàn hảo giữa hình vuông và hình tròn.
Công thức toán học tạo nên “Siêu hình tròn”
Note: Đây là công thức dựa trên đường cong Lamé của nhà toán học Gabriel Lamé – là một đường cong khép kín giống như hình elip. Hara Kenya đã cho a = b và chỉ thay đổi hệ số mũ n.
Nhà thiết kế Kenya Hara đã thử nghiệm nhiều biến thể để tìm ra phiên bản hoàn hảo với n=3.
Chữ MI cũng được thử nghiệm các phiên bản để trở nên hoàn hảo hơn
Và tên thương hiệu trong phiên bản logo đầy đủ cũng được thay mới
“Logo mới không đơn giản được thiết kế lại hình thù mà nó còn thể hiện tinh thần nội bộ của Xiaomi. Thiết kế này về cơ bản phản ánh ý niệm về sự sống (alive).
Hara Kenya
Và có thể bạn chưa biết….
Xiaomi nổi tiếng với điện thoại giá rẻ, cấu hình cao – Nhưng mục tiêu của Xiaomi chưa bao giờ là bán điện thoại để thu lợi nhuận. Họ nhắm đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái Xiaomi, phát triển các sản phẩm IoT (Internet of Things – Kết nối vạn vật) trong đó điện thoại thông minh là cầu nối.
Minh chứng là Xiaomi sở hữu bằng sáng chế IoT lớn hơn bất cứ tập đoàn công nghệ nào. Về mặt đổi mới công nghệ, Xiaomi dẫn đầu hơn 100 tiêu chuẩn ở Trung Quốc.
Họ cũng là nhà sản xuất thiết bị IoT lớn nhất thế giới.
Tất cả đều hướng tới vòng kết nối hoàn hảo – giống như logo mới của họ vậy.
Note:
- Bí mật ẩn chứa bên trong tạo nên sự kỳ diệu
- Thiết kế tinh tế, có chiều sâu
- Logo thể hiện tinh thần của thương hiệu
4.11. Vinamilk thay đổi logo
Vừa qua Vinamilk cũng đã tiến hành chiến dịch tái định vị toàn diện, trong đó có việc thay đổi lại thiết kế thương hiệu, thay đổi logo mới.
Logo mới của Vinamilk
Vinamilk đã thuê 55 chuyên gia hàng đầu thế giới, làm việc suốt 1 năm và bản kế hoạch dài hơn 500 trang cho chiến dịch này.
Logo mới của Vinamilk chuyển đổi từ kiểu logo phù hiệu (emblem) sang kiểu logo chữ (wordmark), tập trung vào logo với màu Xanh rực rỡ và màu Kem sữa ngọt ngào.
Sự kiện ra mắt logo mới, thương hiệu mới của Vinamilk
Bên cạnh đó, bộ nhận diện sử dụng bảng màu đa sắc thay vì giới hạn màu. Vinamilk muốn hướng tới xây dựng tính cách táo bạo quyết tâm, hào sảng phóng khoáng, luôn là chính mình.
Chiến dịch tái định vị được Vinamilk triển khai rất khéo léo, tận dụng sự “tranh cãi” trong thiết kế logo để tạo nên viral giống như MB và Xiaomi đã làm.
Cách thực hiện cũng rất đơn giản mà nhiều thương hiệu khác đã thực hiện… Họ thực hiện như sau:
Bước 1: Thiết kế logo mới, thương hiệu mới như thông thường
Bước 2: Thiết kế thêm điểm “LẠ” tưởng như “LỖI” vào trong thiết kế (thường là liên quan kỹ thuật thiết kế để đảm bảo an toàn bởi vì trong nghệ thuật không có đúng sai, chỉ cần có mục đích)
Bước 3: PR cho nỗ lực, ngân sách để thực hiện việc đó lớn hơn nhiều so với nhận định về giá trị trung bình.
Bước 4: Chuẩn bị “dầu” để thêm vào khi ngọn lửa đã “nhen nhóm”
Bước 5: Viral
Bước 6: Thêm giải pháp kéo dài tình huống Viral đó (Như Vinamilk đã nhanh chóng tạo giải pháp cho phép mọi người mô phỏng lại logo của họ)
Tuy nhiên, các thương hiệu kiểu như Vinamilk ở một vị thế để họ có thể dễ dàng làm điều đó:
Một là, họ quá lớn để biết chắc chắn mỗi hành động của họ, cho dù nhỏ nhất sẽ được đông đảo cộng đồng “soi xét”.
Hai là, dám chấp nhận mạo hiểm để làm điều khác lạ (Mặc dù chắc chắn Vinamilk đã thảo luận rất lâu để đi đến quyết định).
Ba là, được đảm bảo bởi những người giỏi nhất.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk trả lời phỏng vấn của VTV về thương hiệu mới
Doanh nghiệp nhỏ sẽ khó mô phỏng cách làm của Vinamilk nhưng cũng có thể học hỏi một số điều như sau:
+ Tin tưởng vào câu chuyện thương hiệu của mình nhiều hơn là thiết kế hình khối
+ Dám “KHÁC BIỆT” để đạt được “SỰ KHÁC BIỆT“
+ Có sự chuẩn bị và chiến lược thực thi rõ ràng
Logo sẽ phát triển cùng doanh nghiệp, khi đã đạt được mục tiêu ở giai đoạn này, Vinamilk hoàn toàn có thể phát triển logo tiếp, ví dụ như chỉ còn lại tên thương hiệu (loại bỏ EST 1976) như các thương hiệu khác như Viettel, Samsung.
4. Xu hướng thay đổi logo
Xu hướng thiết kế thay đổi liên tục, nó ảnh hưởng đến xu hướng thay đổi logo của các thương hiệu, nhìn chung đều hướng tới:
- Ưu tiên tính dễ đọc: Các thương hiệu hướng tới phông chữ logo rõ ràng hơn, đậm nét hơn, dễ đọc hơn.
- New Vintage: Logo phong cách cổ điển tiếp tục là xu hướng, với cách tiếp cận hiện đại và tối giản hơn.
- Sự chuyển động: Thiết kế logo thể hiện chuyển động theo cách tinh tế
- Đơn giản hóa: Nhiều thương hiệu đang hướng tới sự đơn giản hóa, giải phóng logo của họ khỏi các hình tròn, elip, hình vuông…
5. Khi nào nên thay đổi logo? Thời điểm nào phù hợp?
Vậy làm cách nào để bạn biết đã đến lúc thay đổi logo của mình? Dưới đây là một số chỉ báo chính mà logo của bạn cần được thiết kế lại:
5.1. Khi Logo trở nên lỗi thời
Hãy thử tưởng tượng bạn ghé thăm một trang web được thiết kế cách đây một thập kỷ. Hoặc tham quan một ngôi nhà được xây dựng vào những năm 2000. Bạn có thể dễ dàng biết nó đã được nó đã “có tuổi”, thậm chí “lỗi thời”.
Cố gắng bám víu những gì bạn đã xây dựng có thể không phỉa là cách hay khi thay đổi, tiến hóa cũng mang lại cơ hội lớn không kém.
Xu hướng và thị hiếu thay đổi theo và điều đó có thể ảnh hưởng đến nhận thức về logo của bạn. Những gì đã từng hiện đại và hấp dẫn có thể mất dần sức mạnh của nó theo thời gian.
Khi mọi người thấy một biểu trưng có vẻ lỗi thời, họ cho rằng thương hiệu đó lạc hậu.
Vì thế, một nguyên tắc chung là ít nhất hãy xem xét về việc thay đổi logo của bạn 5 năm một lần. Không nhất thiết phải thay đổi, nhưng cần đặt thời hạn xem xét để ra quyết định có thay đổi hay không.
5.2. Khi Logo không đại diện cho sự tiến hóa của thương hiệu
Các tổ chức, doanh nghiệp sinh ra, phát triển và rời bỏ thị trường – Tiến hóa để tồn tại. Và doanh nghiệp của bạn cũng thế.
Điều này có nghĩa là bạn có thể không chỉ bán một sản phẩm/ dịch vụ giống như khi khởi nghiệp. Khách hàng mục tiêu của bạn không phải là nhóm dưới 18 tuổi nữa mà có thể trải dài từ 18-65+.
Kết quả là, logo của bạn có thể không còn phản ánh chính xác những gì bạn làm và bạn làm điều đó cho ai.
Nếu đúng như vậy, đã đến lúc thay đổi logo để thể hiện đúng hơn về những gì bạn làm, bạn hướng tới.
5.3. Khi Logo không đồng bộ với thương hiệu
Có thể doanh nghiệp của bạn không thay đổi nhưng cách bạn thể hiện nó với thế giới đã thay đổi thông qua nỗ lực thay đổi thương hiệu hoặc tái định vị.
Bất cứ khi nào bạn thực hiện việc thay đổi thương hiệu, tái định vị, bạn nên đảm bảo logo vấn nhất quán với thương hiệu bạn xây dựng.
Bởi vì, Logo của bạn là sự phản ánh thương hiệu và bạn cần phát triển nhất quán. Ngay cả khi bạn vẫn thích logo của mình, bạn nên tinh chỉnh nó như một phần của nỗ lực xây dựng thương hiệu tổng thể.
Note: Thông thường, khi thay đổi thương hiệu hay tái định vị, Sao Kim đều tư vấn khách hàng của mình cập nhật lại logo cho phù hợp (có thể là tinh chỉnh nhẹ hoặc thiết kế logo mới hoàn toàn)
6. Bài học từ việc thay đổi logo của một số thương hiệu nổi tiếng khác
Udemy là một nền tảng học tập trực tuyến nổi tiếng nhất thế giới, họ có rất nhiều chủ đề giúp học viên phát triển kỹ năng của bản thân.
Các nền tảng học tập trực tuyến nở rộ tại Việt Nam như Edumall, Kyna, Unica… cũng lấy cảm hứng từ họ.
Cá nhân tôi đánh giá biểu tượng mới giúp liên tưởng nhanh hơn đến vai trò chính của Udemy.
Hotjar là một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực marketing, họ cung cấp công cụ theo dõi dữ liệu người dùng trực quan như: heat map, video recording, …
Biểu tượng ngọn lửa trước đây gợi ý đến công cụ theo dõi bản đồ nhiệt trang web (heat map).
Tuy nhiên, khi dịch vụ theo dõi hành vi, tìm hiểu khách hàng mở rộng hơn, công ty đang cố gắng truyền thông cho các công cụ khác thì biểu tượng mới là một thay thế tốt hơn cho họ.
Bản thiết kế lại logo năm 2021 của Upwork chỉ thay đổi nhỏ, nhưng thể hiện tham vọng của họ trong việc biến tên thương hiệu của họ thành một “động từ” (như kiểu động từ “google” khi nói đến việc tìm kiếm, tìm hiểu vấn đề gì đó)
Oxford University Press cũng đã thay đổi logo của mình lần đầu tiên sau hơn 30 năm nhằm trở nên “kỹ thuật số hơn”.
Logo cũ sử dụng phông chữ có chân (kiểu serif) giúp liên tưởng ngay đến lĩnh vực xuất bản, giáo dục.
Nhưng logo mới đã đổi sang kiểu phông chữ không chân (kiểu sans-serif). Trong trường hợp này tôi cho rằng logo mới đã đánh mất đi một số vị thế cũ của nó.
Đọc thêm:
- Top 10 Font chữ đẹp, hiện đại dành cho thiết kế, làm slide
- 9 Ví dụ tái định vị thành công/ thất bại
Durex cũng thay đổi logo của họ từ thiết kế gradient (chuyển màu) tạo hiệu ứng nổi sang thiết kế phẳng.
Samsung cũng thay đổi logo của họ theo hướng đơn giản hơn, loại bỏ hình elip, chỉ giữ lại tên thương hiệu của họ với kiểu chữ được thiết kế từ 2005 – thiết kế có cân nhắc đến cách mắt người nhận biết các dấu hiệu thị giác.
Với logo mới này, Samsung đang cố gắng sử dụng phiên bản màu đen nhiều hơn – nhằm xây dựng nhận thức về thương hiệu cao cấp tốt hơn, cạnh tranh với đối thủ chính của họ, Apple.
CapitalOne là một Bank holding company tại Mỹ, nó nằm trong danh sách các ngân hàng lớn nhất và đã phát triển thương hiệu là một ngân hàng tập trung vào công nghệ.
Mặc dù vậy, thay vì lựa chọn một thiết kế logo hiện đại, công nghệ hơn, CEO của họ lại chọn một kiểu thiết kế xu hướng của 10 năm trước.
Trước sự phản ứng của khách hàng, CapitalOne cuối cùng cũng hiểu vấn đề và tiến hành thay đổi logo mới – thiết kế biểu tượng swoosh phẳng và bỏ chữ “Bank” trong logo để hướng tới mở rộng hơn (không chỉ làm ngân hàng).
Mặc dù không quá ấn tượng, nhưng họ đã lắng nghe.
7. Tổng kết về thay đổi logo
Đừng thay đổi logo trừ khi cần thiết!
Điều này rất quan trọng và phải ghi nhớ trong toàn bộ quá trình. Nếu việc thay đổi logo không thực sự cần thiết thì đừng làm.
Hãy tự đánh giá và hỏi xem việc đổi thương hiệu có phải là câu trả lời cho các vấn đề thương hiệu của bạn hay không. Vì có thể các mảng hoạt động kinh doanh của bạn cần được giải quyết trước tiên.
Và cuối cùng, nên nhớ logo và nhận diện thương hiệu cần nhất quán, thay đổi logo cần được cân nhắc cùng với hoạt động thay đổi, làm mới nhận diện thương hiệu.
Tóm lại, thay đổi logo là một công việc lớn và cần rất nhiều kế hoạch vì có rất nhiều yếu tố khác nhau tác động. Sao Kim đã làm việc với nhiều công ty để hướng dẫn họ thành công trong việc thay đổi logo, thay đổi thương hiệu đảm bảo mang lại kết quả tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của họ.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách Sao Kim có thể hỗ trợ thay đổi logo, thay đổi thương hiệu của bạn, hãy tham khảo ngay dịch vụ làm mới thương hiệu của chúng tôi.
Hoặc liên hệ qua 0964.699.499 / contact@saokim.com.vn để được tư vấn rõ hơn.
Follow các bài viết chất lượng Sao Kim tại:
Blog Sao Kim, Cẩm Nang Sao Kim
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding